Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng

(PLVN) - Những ngày vừa qua, nắng nóng gay gắt đã diễn ra trên phạm vi cả nước, có nơi trên 43 độ C. Cháy rừng đã xảy ra ở một số địa phương, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và của.
Ảnh minh họa (Ảnh: Báo dân tộc và Phát triển)

Mới đây nhất, ngày 26/4/2024, cháy rừng Tây Côn Lĩnh đã xảy ra tại khu vực giáp ranh 3 xã Phương Tiến, Lao Chải, Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm thiệt hại nhiều héc ta rừng, ảnh hưởng môi trường sinh thái và đời sống của Nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, trong lúc chữa cháy tại rừng Tây Côn Lĩnh, 2 kiểm lâm đã tử nạn, do tham gia chữa cháy, đám cháy quá lớn, lửa lan nhanh khiến các kiểm lâm viên không kịp chạy khỏi đám cháy. Vụ cháy rừng còn khiến 5 người khác bị thương.

Cơ quan chức năng dự báo, nhiều khả năng “kỷ lục” về nhiệt độ cao những năm trước sẽ bị phá vỡ. Nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trở thành nhiệm vụ cấp bách. Ngay từ đầu tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 31/CĐ-TTg về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách PCCC.

Ngày 27/4/2024, Thủ tướng tiếp tục ban hành Công điện 41/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách PCCC rừng. Sau khi gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân gia đình các cán bộ kiểm lâm bị nạn; yêu cầu thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định pháp luật với các cán bộ kiểm lâm gặp nạn; lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, tỉnh, thành thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trước đó về lĩnh vực. Một trong những quy định quan trọng là tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 177/QĐ-TTg ngày 10/2/2022.

Tại Quyết định này, yêu cầu “Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng”. Tuy nhiên trong thực tế, có khi “cái khó bó cái khôn”. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng đã được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ, nhưng phương tiện, thiết bị bảo vệ rừng, PCCC thì còn rất thiếu. Khi cháy rừng xảy ra, một số nơi vẫn xử lý bằng sức người và kinh nghiệm. Vì vậy, cần sớm đầu tư các thiết bị PCCC.

Có nhiều giải pháp để thực hiện đề án, từ tuyên truyền giáo dục, khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế và “hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao năng lực về bảo vệ rừng và PCCC rừng cho kiểm lâm và lực lượng chuyên trách về bảo vệ rừng”. Cơ chế, chính sách này liên quan đến Luật PCCCvà cứu nạn, cứu hộ - đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung sau nhiều năm thi hành. Rừng là tài nguyên, nơi góp phần gìn giữ sinh quyền, đa dạng sinh học, vì vậy cũng cần xem xét đề xuất các quy định về đẩy mạnh xã hội hóa PCCC rừng, công tác đầu tư cho hoạt động PCCC rừng, để huy động nguồn lực xã hội, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra nếu không may cháy rừng.