Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Christopher Yianni, Cán bộ chính sách, Phòng Hợp tác quốc tế về Pháp luật, Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức; bà Angela Schmeink, Trưởng Văn phòng khu vực châu Á, Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ) tại Berlin. Về phía Học viện Tư pháp có PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện.
Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò quan trọng của bản án dân sự, bởi nó trực tiếp tác động đến niềm tin của nhân dân đối với chế độ; thông qua bản án, các đương sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình phải thực hiện. Vì vậy, các thông tin thể hiện trong bản án phải đảm bảo tính chính xác; các lập luận, kết luận và các quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, lô-gic, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật.
Để bảo đảm chất lượng của bản án, trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng yêu cầu đối với bản án là đảm bảo về mặt hình thức, bố cục, nội dung và văn phong - mỗi bản án có đặc thù riêng do phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng loại vụ việc. Việc soạn thảo bản án, quyết định Tòa án đúng quy chuẩn là yêu cầu thiết thực, đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững những kỹ năng, yêu cầu cần thiết.
Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Do đó, Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham dự nâng cao kiến thức, hiểu biết về công tác soạn thảo bản án tại Việt Nam và Đức; chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm về phương pháp, kỹ năng soạn thảo bản án dân sự của Việt Nam và Đức. Qua đó, hỗ trợ học viên Học viện Tư pháp và các đại biểu tham dự nắm được phương pháp, kỹ năng soạn thảo bản án và nâng cao năng lực soan thảo bản án dân sự.
Kết quả của Hội thảo trực tuyến này là tiền đề để Học viện Tư pháp và Quỹ IRZ tiếp tục phối hợp, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này và các lĩnh vực pháp luật và tư pháp khác. Đây là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa Học viện Tư pháp và Quỹ IRZ.