Nâng cao thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của khán giả: Góp phần chấn hưng và bảo tồn văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, khán giả là thước đo thành công và điều kiện sống còn. Thế nên, để góp phần chấn hưng nền nghệ thuật nước nhà, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống thì việc bồi dưỡng, đào tạo khán giả để họ trở thành những người thưởng thức nghệ thuật một cách có thẩm mỹ, có trách nhiệm là việc làm cần thiết.
Buổi hòa nhạc đường phố đã mang tới cho khán giả Thủ đô những giây phút nghệ thuật đỉnh cao.
Buổi hòa nhạc đường phố đã mang tới cho khán giả Thủ đô những giây phút nghệ thuật đỉnh cao.

Đưa giao hưởng đến với người trẻ

Nhạc giao hưởng đối với đa số công chúng là cái gì đó cao sang, xa vời, dường như chỉ dành cho giới chuyên môn. Thế nên, người ta gọi đây là loại hình nghệ thuật “kén” khán giả. Nhưng quan niệm này đã và đang thay đổi, khi giao hưởng ngày càng tiến gần đến với khán giả trẻ.

Hình thành từ năm 2016 với ước mơ biểu diễn những bản nhạc gắn liền với tuổi thơ trong khán phòng đầy ắp khán giả, một nhóm nghệ sĩ trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tập hợp và cùng thực hiện chuỗi chương trình Concert of Childhood Memory.

“Thông qua những giai điệu thân thuộc đã gắn liền với tuổi thơ mỗi người, nhưng được biên soạn và biểu diễn theo thể loại giao hưởng, chúng tôi hy vọng sẽ khơi dậy những cảm xúc đẹp, những ký ức trong trẻo của khán giả, đồng thời đánh thức ở khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tình yêu với nhạc giao hưởng - thể loại có ít người nghe” - Mai Xuân Hải, thành viên Ban Tổ chức chia sẻ.

Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 5 năm hoạt động, chương trình đã chứng kiến một sự kiện ấn tượng khi toàn bộ vé của 3 đêm diễn đều được đặt trước chỉ sau hơn 10 ngày mở bán. Với chủ đề “Coming Home” (Trở về nhà), các bản nhạc được trình diễn trong “Concert of Childhood Memory 2020: Coming Home” được tuyển chọn từ các sáng tác của nhà soạn nhạc lừng danh Joe Hisaishi, nằm trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hãng phim Studio Ghibli như: Spirited Away, Kiki Delivery Service, Howl’s Moving Castle, My Neighbor Totoro... đã khơi gợi trong mỗi khán giả khát khao được tìm về với chính bản thân mình, để có thêm niềm tin và sự trân trọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tháng 11/2019, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời với chủ đề “Bản Giao hưởng bi thương” đã diễn ra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine. Tâm điểm đầu tiên của đêm diễn là màn trình diễn Khúc biến tấu trên chủ đề Rococo dành cho cello và dàn nhạc, Op.33 của nhà soạn nhạc người Nga P.I.Tchaikovsky với nghệ sĩ độc tấu cello trẻ đến từ Đan Mạch Jonathan Swensen. Với đa số khán giả Việt Nam, Jonathan Swensen là cái tên còn khá xa lạ.

Thực tế anh mới ở độ tuổi 20 và tài năng bắt đầu được biết đến nhiều trong vài năm gần đây, khi gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế cũng như được mời trình diễn cùng một số dàn nhạc uy tín tại châu Âu. Nhưng như người ta vẫn nói “tài không đợi tuổi”, chàng trai trẻ với mái tóc vàng thực sự đã chinh phục những khán giả khó tính nhất với màn trình diễn của mình. Gần như tất cả những kỹ thuật trình diễn phức tạp nhất trên cây đàn cello đều được Jonathan thể hiện một cách hoàn hảo.

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội đã lặng đi khi những nốt nhạc trầm cuối cùng của bản nhạc trôi đi. Buổi hòa nhạc “Bản Giao hưởng bi thương” một lần nữa khẳng định đẳng cấp trình diễn và sự sáng tạo cũng như những thông điệp âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời là “đưa khán giả trẻ đến gần hơn với âm nhạc cổ điển và đưa những tài năng âm nhạc cổ điển trẻ tuổi trên thế giới đến với khán giả Việt Nam”. Tại buổi hòa nhạc, thông điệp đó đã được thể hiện một cách rõ nét không chỉ với một nghệ sĩ cello tài năng như Jonathan Swensen mà còn là rất nhiều gương mặt trẻ trên hàng ghế khán giả.

Chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2022, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình hòa nhạc ngoài trời mang tên “Gặp gỡ mùa thu Hà Nội 2022”, với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ gồm 140 sinh viên âm nhạc chuyên nghiệp của Học viện, tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Chương trình đã tạo ra sức hút lớn với khán giả, với hàng ngàn người xem, trong đó có nhiều khán giả trẻ tuổi. Nhiều người rất hứng thú vì đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức một chương trình giao hưởng ngoài trời của Việt Nam. Có thể thấy, hòa nhạc đã mang tới cho khán giả Thủ đô những giây phút nghệ thuật đỉnh cao, để lại ấn tượng tầng lớp khán giả trẻ về một loại hình nghệ thuật xưa nay vẫn có tiếng là “khó nghe”…

Nuôi dưỡng tình yêu trong khán giả để chấn hưng nghệ thuật

Qua câu chuyện của giao hưởng có thể thấy với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào đều phải thông qua sự học hỏi, hướng dẫn và tìm hiểu thì mới có thể hình thành tính thẩm mỹ và sự hiểu biết của mỗi cá nhân để từ đó có cơ sở thưởng thức. Nhiều người xem dàn nhạc giao hưởng ngoài đường phố hoặc các loại hình nghệ thuật khác ban đầu có thể chỉ do tò mò, sau đó qua tiếp xúc và cảm nhận, họ có thể tìm hiểu sâu hơn.

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm khi các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới bắt đầu biểu diễn thường xuyên hơn tại Việt Nam thì cũng là lúc báo chí đề cập khá nhiều về “những tiếng vỗ tay lạc nhịp” trong một buổi biểu diễn nhạc giao hưởng. Thói quen thông thường của khán giả, để khen ngợi nghệ sĩ khi nhạc dừng sẽ vỗ tay, nhưng với cách thưởng thức giao hưởng thì không phải như vậy, thế nên mới có “tiếng vỗ tay lạc nhịp” cho thấy khán giả chưa am hiểu về thể loại âm nhạc mà mình đang nghe. Nhưng nay câu chuyện đã khác, điều này có thể chứng kiến tại nhiều khán phòng biểu diễn giao hưởng thời gian gần đây với bộ phận khán giả đã có hiểu biết về cách nghe nhạc giao hưởng hơn.

Âm nhạc hàn lâm như giao hưởng hay sân khấu truyền thống nhưng chèo, tuồng, cải lương… đều là những ví dụ tiêu biểu cho thấy trong nghệ thuật khán giả không phải là một “hằng số” theo kiểu sinh ra là đã biết cách thưởng thức hoặc biết yêu thích loại hình nghệ thuật đó. Vì vậy, để duy trì tình yêu của khán giả với nghệ thuật, cần thường xuyên ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu ấy, qua đó tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật.

Tiến sĩ âm nhạc Chương Vũ, một chuyên gia về nhạc giao hưởng nhận định, nhạc giao hưởng đang xây dựng lớp công chúng riêng cho mình. Một lớp khán giả mới của nghệ thuật hàn lâm, đa phần rất trẻ, đã dần được định hình tại Việt Nam. Đó là kết quả của một quá trình dài thường xuyên, kiên trì tổ chức các chương trình hòa nhạc theo nhiều hình thức để tiếp cận đông đảo công chúng. Ngoài những buổi hòa nhạc được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội - thánh đường của nhạc hàn lâm, công chúng còn dễ dàng tiếp cận những buổi hòa nhạc ở các trung tâm văn hóa, thậm chí ở trên đường phố.

Ở một khía cạnh khác, đó là cần song hành hoạt động đào tạo với thực hành biểu diễn của nghệ sĩ trẻ để đưa nghệ thuật đến gần hơn nữa với khán giả, tương tự như thông điệp âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời là “đưa khán giả trẻ đến gần hơn với âm nhạc cổ điển và đưa những tài năng âm nhạc cổ điển trẻ tuổi trên thế giới đến với khán giả Việt Nam”.

Với quy mô 60 nghệ sĩ trình diễn mỗi năm, Concert of Childhood Memory chưa thể được coi là một dự án lớn hay đã có những thành công vượt bậc đem lại ảnh hưởng đến toàn bộ ngành âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, những thành công bước đầu, hàng ngàn lượt khán giả và bản thân sự tồn tại của chương trình bền bỉ suốt 5 năm đã là những tín hiệu đáng mừng cho một tương lai mới: nơi những cách tiếp cận sáng tạo của giới trẻ góp phần tạo ra những giá trị mới cho ngành giải trí, cho phép người yêu văn hoá chờ đợi những bước tiến xa hơn, ấn tượng hơn.

Tháng 6/2022, Trại hè Âm nhạc 2022 lần đầu tiên được Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức tại Cam Ranh với quy mô lớn và chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, với sự tham gia của hơn 200 học sinh, sinh viên đến từ 3 miền đất nước.

Trong khuôn khổ của Trại hè Âm nhạc 2022, chương trình Gala của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ cũng đã diễn ra tại Quảng trường 2.4 thành phố Nha Trang trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang do Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức; Đêm nhạc Khúc giao hưởng Mùa hạ Arena 2022 tổ chức tại Arena Cam Ranh với sự tham gia của toàn bộ học sinh, sinh viên, các nghệ sĩ, giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ về các hoạt động của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ và việc quảng bá nhạc giao hưởng gần đây với truyền thông, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Lê Anh Tuấn cho biết, Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ (VNAMYO) của Học viện được thành lập và đặt nền móng bởi nhiều thế hệ Ban lãnh đạo của Trường Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước.

Sự gắn bó mật thiết trong hoạt động đào tạo và biểu diễn thực hành của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ lúc bấy giờ đã mang lại nhiều thành công, sản sinh ra nhiều thế hệ giảng viên nghệ sĩ tài năng, uy tín, là nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung cho các Dàn nhạc Giao hưởng hoạt động trên cả nước.

Dưới sự phát triển cởi mở, hội nhập và đầy tiềm năng của lĩnh vực âm nhạc hàn lâm trong những năm gần đây, Ban lãnh đạo Học viện đã khôi phục trở lại các hoạt động đào tạo, biểu diễn thực hành của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ trở thành Dàn nhạc có hoạt động thường niên dành cho học sinh, sinh viên dưới sự chỉ đạo, huấn luyện của các nghệ nghệ sĩ, giảng viên uy tín, giàu kinh nghiệm của Học viện và các nhà hoạt động âm nhạc trên cả nước. Các hoạt động thực hành biểu diễn của VNAMYO là định hướng tới cộng đồng nhằm lan tỏa, truyền bá các giá trị văn hóa nghệ thuật và nâng tầm cho vị thế đào tạo của Học viện.

Theo Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện cũng đang làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng với hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội và đang được giới trẻ vô cùng yêu thích để diễn cùng Dàn nhạc vào tháng 12 tới, nhân dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch 2022…

Nâng cao thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của khán giả hoàn toàn phù hợp với tinh thần Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị chỉ rõ 8 nội dung cần quan tâm thực hiện, trong đó có nội dung tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; tăng cường giáo dục thẩm mỹ... cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp.

Đọc thêm