Hiệu quả từ xúc tiến, hỗ trợ đầu tư
Thừa Thiên Huế luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, chuyển đổi phương thức xúc tiến đầu tư từ bị động sang chủ động, tăng cường các kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến, xúc tiến đầu tư tại chỗ, ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư.
Đáng chú ý trong năm 2024, trung tâm đã hỗ trợ một số dự án trên địa bàn tỉnh khởi công, khánh thành đi vào hoạt động như: Dự án Hue Amusement & Beach Park tại huyện Phú Vang có diện tích 49,5 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án đã khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 (Xây dựng khách sạn quy mô 120 phòng; tiện ích (1 nhà lễ tân, 2 bể bơi, 1 nhà hàng, 1 nhà hội nghị, 1 nhà Gym & Spa – nhà máy xử lý nước thải).
Hay dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ và biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang có diện tích: 127,68 ha với tổng mức đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng. Dự án đã khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 (Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khu sân golf 18 lỗ phía Bắc) vào ngày 28/9/2024.
Ngoài ra, Trung tâm đã hỗ trợ dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương, dự án Siêu thị Go Hương Trà vừa được đưa vào hoạt động, dự án Tổ hợp Khu dịch vụ thương mại và du lịch Phạm Văn Đồng, dự án Tổ hợp giáo dục tại Khu E – Đô thị mới An Vân Dương tại Xã Thuỷ Thanh, Thị xã Hương Thuỷ, dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo (Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp Thừa Thiên Huế), với mong muốn thay đổi một cách toàn diện phương thức hoạt động và vận hành dự án, Trung tâm đã làm việc với đơn vị thiết kế để xây dựng ứng dụng theo dõi cập nhật 4 tổ công tác sử dụng trên điện thoại. Ứng dụng mang tên “Hue Investment Care” (HIC) được viết riêng cho việc theo dõi, quản lý dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, thông qua HIC sẽ hỗ trợ cho việc theo dõi, giám sát tiến độ công việc đề ra; đồng thời cũng thể hiện các vướng mắc phát sinh để kịp thời xử lý.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo (áo đen) |
“Hiện nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện ứng dụng HIC và đang chạy bản demo, dự kiến trong thời gian ngắn nhất sẽ đưa ứng dụng theo dõi cập nhật 4 tổ công tác vào vận hành”, bà Thảo nói.
Hướng tới chuyên nghiệp trong xúc tiến thương mại
Hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn trong thời gian qua đã góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước tiên, đó là công tác tổ chức Hội chợ thương mại Festival Huế năm 2024; đây là một trong những hoạt động hưởng ứng nhằm đa dạng hoá Festival Huế. Hoạt động này được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Xúc tiến thương mại… và đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Cụ thể: Hội chợ đã thu hút 139 tổ chức, doanh nghiệp trong nước tham gia với 250 gian hàng đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Sau 7 ngày diễn ra, Hội chợ đã thu hút gần 35 ngàn lượt khách tham quan, mua sắm, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch trong nước. Doanh thu của các đơn vị tham gia ước đạt trên 5 tỷ đồng.
Một điểm nhấn trong năm 2024 là trung tâm đã hỗ trợ kết nối thành công 7 doanh nghiệp vào kinh doanh tại khu vực siêu thị Aeon Mall; đồng thời đã cùng Aeon Mall Huế xây dựng được khu văn hoá địa phương Huế - khu vực ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp địa phương của tỉnh vào trưng bày và kinh doanh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương siêu thị go! Hương Trà |
Bên cạnh đó, trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương ký kết thành công 16 hợp đồng thông qua các chương trình xúc tiến thương mại ngoại tỉnh. Đồng thời, đã hỗ trợ kết nối với các nhà phân phối tại Thái Lan. Thông qua buổi làm việc, đã có 11 doanh nghiệp với 11 sản phẩm đã được lựa chọn để phân phối vào các kênh của Thái Lan, mở ra cơ hội xuất khẩu trong tương lai. Ngoài ra, trung tâm cũng đã hỗ trợ kết nối thông qua Hội chợ thương mại ngày hội ẩm thực dân tộc và uống trà năm 2024 và lễ hội ném Còn 3 nước Lào - Trung Quốc - Việt Nam tại tỉnh Phong Sa Ly, nước CHDCND Lào…
Nhằm kết nối và tôn vinh các sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc sản của Huế, sản phẩm OCOP và những giá trị văn hóa của địa phương, trung tâm cũng đã đồng hành cùng doanh nghiệp bố trí 2 gian hàng của tỉnh tại chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024” ở TP. Hồ Chí Minh. Thông qua Chương trình đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế kết nối khách hàng, người tiêu dùng tại khu vực phía Nam nhằm phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới.
Phụng sự doanh nghiệp
Thời gian qua, Trung tâm đã luôn đồng hành với doanh nghiệp theo tinh thần “phụng sự doanh nghiệp”, từ đó đã tạo được sức lan tỏa đến các cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Chúng tôi cam kết, khi đầu tư tại Thừa Thiên Huế các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững. Với tâm huyết và trách nhiệm, chúng tôi trân trọng kính mời quý doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Huế để biến ý tưởng đầu tư thành hiện thực", bà Nguyễn Thị Bích Thảo khẳng định.
Cụ thể, Trung tâm triển khai và tổ chức thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tổ chức khảo sát để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp. Đồng thời, đơn vị đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để có hướng “gỡ” rối.
Một số kết quả nổi bật như, từ tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ hướng dẫn cho hơn 200 trường hợp bao gồm các nội dung về thành phần hồ sơ thủ tục như đăng ký thành lập mới doanh nghiệp; thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (cụ thể: thay đổi vốn điều lệ, thay đổi địa chỉ trụ sở chính, thay đổi người đại diện theo pháp luật, thay đổi ngành, nghề kinh doanh; thay đổi tên doanh nghiệp;...); tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trung tâm cũng đã tổ chức khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến (tích hợp mã QR phiếu khảo sát lên Fanpage Hue, truly Vietnam, nhóm zalo DN XTTM) nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, đã gần 200 phiếu khảo sát đã được gửi đến quý cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ kết quả này, đơn vị sẽ định hình chương trình hoạt động của năm 2025 trong các lĩnh vực xúc tiến thương mại, khuyến công, xúc tiến hỗ trợ đầu tư được hiệu quả và sát doanh nghiệp hơn.
Trong năm 2024, nhằm đồng bộ, thống nhất mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo, tập huấn của trung tâm đều xoay quanh chủ đề nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để vào được các hệ thống phân phối trên cả nước. Theo đó, một số chương trình tập huấn như “Marketing mùa cuối năm tối ưu nguồn lực - bứt phá doanh thu”; chương trình tập huấn “Giải pháp nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử” đã và sẽ được trung tâm triển khai, thu hút sự quan tâm thật sự của doanh nghiệp.