Khiếu nại, tố cáo liên quan đến 5 ứng viên đã được giải quyết
Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết, các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH được tiến hành công khai, nghiêm túc, dân chủ, đúng pháp luật, đúng quy trình và thời gian theo quy định. Qua tổng hợp ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, cả 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở TƯ không có các vấn đề, vụ việc cử tri nêu cần phải xác minh.
Riêng về vấn đề tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tính đến ngày 13/4, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được 3 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh liên quan đến 5 người ứng cử ĐBQH khóa XIV ở TƯ và đã xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, 4 trường hợp đã gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia để giải quyết theo thẩm quyền và đã có thông báo cho người gửi đơn; 1 trường hợp đã gửi cơ quan có trách nhiệm xác minh. Kết quả trả lời cho thấy phản ánh của cử tri là không có căn cứ.
Từ 27/4 bắt đầu vận động tranh cử
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đã bày tỏ sự phấn khởi trước kết quả lấy ý kiến nhận xét của cử tri, thể hiện sự tín nhiệm cao của cử tri nơi cư trú và nơi công tác đối với người ứng cử ĐBQH. Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cho hay, tỉ lệ nữ, tỉ lệ dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ so với trước đã có xu hướng có tăng lên; đại biểu đại diện cho các tôn giáo, người ngoài Đảng ở tất cả các địa phương đều được báo cáo.
Tuy nhiên, cũng không ít đại biểu đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của cử tri cũng như việc đảm bảo chất lượng lý lịch của các ứng viên, bởi trong thực tế đã từng xảy ra chuyện các ứng viên ĐBQH sau khi trúng cử lại phát hiện không đủ tiêu chuẩn và có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Theo kế hoạch, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (27/4/2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h (trước 7h ngày 21/5/2016).
Ông Cao Sỹ Khiêm - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. |
Trao đổi với PLVN bên hành lang Hội nghị hiệp thương, ông Cao Sỹ Khiêm - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đánh giá: “Các đại biểu ứng cử khóa XIV phần lớn là tái cử khóa trước. Đối với những người mới ứng cử khóa này, nhìn lý lịch thì họ có bằng cấp hơn các khóa trước và cũng trẻ hơn. Hy vọng họ có thể đóng góp một cách năng động và sáng tạo hơn, làm cho hoạt động của QH có chất lượng hơn”.
Theo ông, làm thế nào để phát huy được vai trò cũng như quyền lợi và trách nhiệm của cử tri đối với lá phiếu của mình?
- Muốn phát huy quyền làm chủ của mình, cử tri phải tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc với các ứng cử viên, từ đó mới có thể biết được khả năng, trình độ của họ đến đâu. Bởi chỉ khi đã hiểu biết kỹ về các ứng viên thì mình mới có thể chủ động chọn ứng cử đó theo nhận thức và đánh giá của mình, tránh trường hợp chưa hiểu, chưa biết đã bỏ phiếu bầu hoặc nhờ người khác đi bỏ phiếu thay.
Trách nhiệm của cử tri là một quyết định đảm bảo cho chất lượng của vị đại biểu dân bầu.Vì cử tri là người chọn ra người đại diện cho mình, nên nếu chọn trúng thì đại biểu sẽ phát huy được khả năng của mình, nếu chọn hời hợt thì sẽ giảm chất lượng hoạt động của đại biểu và giảm quyền lợi của cử tri.
Thưa ông, trong các khóa trước có những đại biểu được T.Ư giới thiệu về địa phương nhưng không trúng cử. Vậy ông có gợi ý gì với những ứng cử viên lần này?
- Việc không trúng cử là có nhiều lý do. Có thể do năng lực vận động, tuyên truyền nơi ứng cử của các ứng viên chưa tốt, hoặc cũng có thể do người ứng cử nhiều nên các cử tri có nhiều cơ hội để lựa chọn cá nhân xuất sắc hơn. Cử tri địa phương bao giờ họ cũng chọn những người có khả năng đóng góp cho địa phương của họ và tiếp thu được ý kiến của nhân dân một cách chính xác, chất lượng. Nếu “anh” thiếu những yếu tố này trong quá trình vận động bầu cử thì khả năng trúng cử của anh sẽ không cao.
Hiện nay thông tin về người ứng cử đến với người dân chưa nhiều. Theo ông, điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng của ĐBQH?
- Đúng vậy, công tác tuyên truyền về bầu cử của chúng ta chưa được rộng khắp và thường xuyên theo đúng tinh thần là Ngày hội của toàn dân, đặc biệt là trong việc giới thiệu, tuyên truyền về tiêu chuẩn của những ứng cử viên để dân hiểu. Trong hiệp thương lần 1 và lần 2, Hội đồng bầu cử đã nhìn ra vấn đề này, bởi vậy gần đây những hạn chế trên đã giảm đi nhiều.
Trân trọng cám ơn ông!