Nâng cao vai trò 'giữ lửa' của trưởng bản, nghệ nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc là những người tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán trong các phong trào của địa phương, “giữ lửa” ở các bản, làng.
Nâng cao vai trò “giữ lửa” của các trưởng bản, nghệ nhân. (Ảnh: N.T)
Nâng cao vai trò “giữ lửa” của các trưởng bản, nghệ nhân. (Ảnh: N.T)

Lan tỏa sâu rộng các tấm gương già làng, trưởng bản

Sự đóng góp của các trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc quan trọng thể hiện rõ nét qua việc vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Không chỉ vậy, các già làng, trưởng bản còn tuyên truyền, vận động đồng bào thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đấu tranh với các âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại thôn bản.

Ông Đinh Viết Thắng (SN 1941) ở khu Tân Trào, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) là một trong những tấm gương già làng tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển địa phương.

Với uy tín của mình, ông Thắng đã vận động Nhân dân trong khu hiến 3,4ha đất, ủng hộ 730 triệu đồng và hơn 1.000 ngày công làm đường nông thôn; sửa chữa nhà văn hóa khu, giúp 5 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà.

Cùng với đó, ông luôn giáo dục, vận động Nhân dân phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” giúp đỡ các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, hay trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế để cùng vươn lên trong cuộc sống.

Thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có 100% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Trước đây, có đến 95% đàn ông trong thôn hút thuốc lá. Thế nhưng, khoảng 10 năm nay, số người hút thuốc lá đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn hơn 65%. Có được kết quả đó, phải kể đến công lao của trưởng thôn Hoàng Văn Khôn.

Ông Khôn là người gương mẫu đi đầu trong việc từ bỏ thuốc lá và tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn bỏ thuốc lá. Hơn nữa, để giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với những người xung quanh, ông Khôn đề nghị các hộ dân trong thôn khi có việc hiếu, việc hỷ không bày thuốc lá, không mời khách hút thuốc lá.

Ban đầu, nhiều gia đình không thực hiện theo. Nhờ sự phân tích cụ thể và kiên trì vận động của ông Khôn, đến nay, phần lớn các đám hiếu, hỷ trong thôn đều không để thuốc lá trên bàn, mọi người đều đã ý thức được rằng không nên hút thuốc lá ở nơi đông người.

Giúp già làng, trưởng bản bảo tồn văn hóa địa phương

Những năm qua, các địa phương trên cả nước đã có nhiều chủ trương, hoạt động phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tham gia tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân bản làng...

Từ ngày 29 - 31/8/2024, tại TP Nha Trang, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai giảng lớp tập huấn “Nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) của dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Khánh Hòa”. Tham gia lớp tập huấn, có hơn 100 già làng, trưởng thôn, nghệ nhân người dân tộc Raglai, đến từ huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa và TP Cam Ranh.

Trong thời gian tham gia tập huấn, các học viên được phổ biến những thông tin, kiến thức về: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030; đặc điểm, vai trò, ý nghĩa của dân ca, dân vũ, dân nhạc trong đời sống đồng bào Raglai; bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch những thách thức của thời đại công nghệ 4.0...

Trước đó, tại TP Đồng Hới tỉnh Quảng Bình, Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình tổ chức lớp tập huấn về công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho cán bộ, công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham gia lớp tập huấn, 60 học viên được phổ biến toàn cảnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới; nâng cao các kiến thức về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình, bình đẳng giới; nắm bắt thực trạng và định hướng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng.

Ngày 17/5/2024, tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức lớp tập huấn, phổ biến triển khai mô hình văn hóa truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc phục vụ phát triển du lịch năm 2024.

Tại lớp tập huấn, gần 200 học viên là già làng, trưởng thôn, người có uy tín, các thành viên trong câu lạc bộ văn hóa, công chức văn hóa ở các xã Đạ Tông, Đạ M’rông và Đạ Long đã được các báo cáo viên truyền đạt một số kiến thức tổng quan về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay; công tác xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với kinh nghiệm thực tiễn, mỗi học viên sau khi tham gia lớp tập huấn sẽ trở thành những tuyên truyền viên, báo cáo viên tại bản làng để góp phần cùng với đồng bào bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.