Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các khu dân cư: Tăng cường đoàn kết, tạo sự thống nhất giữa 'ý Đảng, lòng dân'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 19/3, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn”.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: mattran.org.vn)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: mattran.org.vn)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ hơn một số nội dung chủ yếu liên quan đến vai trò, vị trí, tầm quan trọng không thể thiếu của lực lượng này trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, hiện trên địa bàn cả nước, tại mỗi khu dân cư đều xây dựng “cánh tay nối dài” của hệ thống chính trị ở khu dân cư bao gồm tổ chức đảng (chi bộ, tổ đảng); tổ chức chính quyền (thôn, ấp, cụm, khu phố...); tổ chức Mặt trận và đoàn thể (Ban công tác Mặt trận; Chi hội Phụ nữ; Chi hội Cựu chiến binh; Chi hội Thanh niên, nông dân...). Trong nhiều năm qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, hệ thống Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp đã triển khai các phong trào, các cuộc vận động của mình đến các tầng lớp Nhân dân thông qua Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở các khu dân cư...

“Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được phát hiện sớm, hòa giải kịp thời, thì chỉ từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp hết sức nhỏ trở thành phức tạp “cái sảy nảy cái ung”, làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của các bên, gây mất an ninh trật tự công cộng, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí từ tranh chấp dân sự chuyển thành vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự. Đồng thời, thông qua hoạt động của các thành viên Tổ hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc một cách trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”, ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Để tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các khu dân cư, phát huy vai trò tự quản, đoàn kết, đồng thuận xã hội của từng người dân, từng hộ gia đình, từng dòng họ trên địa bàn cả nước phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm vùng miền, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng hệ thống chính trị các cấp - nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở tại hơn 10 nghìn xã trên địa bàn cả nước cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lồng ghép các hoạt động tự quản ở khu dân cư để tập hợp, vận động sự tự nguyện, tự giác, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, tạo sự đồng thuận của các thành viên trong cộng đồng dân cư để xây dựng khu dân cư tiên tiến, gia đình văn hóa.

Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình Nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong Nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; thường xuyên “gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin” tạo nên sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, tăng cường đoàn kết, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho Nhân dân”; lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân, lấy việc động viên, thực hiện dân chủ và công khai, minh bạch ở cộng đồng dân cư làm phương châm hành động.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, các tham luận tại hội thảo đã làm nổi bật vị trí, vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu, không thể thay thế của thôn, tổ dân phố - nơi lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với từng người dân; vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong giai đoạn hiện nay. Qua đó làm sâu sắc tính tất yếu phải nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố các địa phương miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Các bài phát biểu cũng đã nêu bật những kinh nghiệm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hoạt động của thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm kiện toàn các chức danh hoạt động không chuyên trách và lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở... Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý, những cách làm hay, sáng tạo để Lạng Sơn có thể chọn lọc để xây dựng chủ trương, chính sách và cách làm phù hợp với đặc thù của tỉnh.

Đọc thêm