Nâng cao vai trò tự quản của Tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng viên

(PLVN) -Đến nay, cả nước thành lập được 60/63 Hội công chứng viên, bước đầu hoạt động đi vào nề nếp và phát huy vai trò tự quản. Tuy nhiên, một số Hội còn chưa thực sự chủ động, tích cực, còn tình trạng né tránh khi bảo vệ quyền cho hội viên...

Cả nước có 60/63 Hội công chứng viên

Thời gian qua, việc thành lập, phát triển tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên đã được Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh và các cơ quan liên quan quan tâm và đạt kết quả cao. Nếu như trước ngày Luật Công chứng năm 2015 có hiệu lực, cả nước chỉ có 04 Hội công chứng viên gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương, thành phố Đà Nẵng thì đến nay, cả nước thành lập được 60/63 Hội công chứng viên, tăng 15 lần so với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, đạt tỷ lệ 93%. Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ TW đến địa phương.

Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên được thành lập, củng cố kiện toàn về tổ chức đã bước đầu hoạt động đi vào nề nếp và phát huy vai trò tự quản, góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước. Các tổ chức này đã đóng góp tích cực cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về công chứng và pháp luật có liên quan, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng và nhiều nhiệm vụ khác có liên quan.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đánh giá: tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có lúc, có nơi chưa nhận thức hết vị trí, vai trò, trách nhiệm trong việc phát triển nghề công chứng, công tác phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước hiệu quả chưa cao. Vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn mức độ, một số việc còn chậm. Chưa thực hiện việc ban hành Quy tắc hành nghề công chứng, chưa thành lập được Quỹ bồi thường thiệt hại để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên là công chứng viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường…Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên còn hiện tượng e ngại, né tránh, thờ ơ hoặc bao che hành vi vi phạm.

Chuẩn bị Đại hội công chứng viên toàn quốc lần thứ II

Sắp tới, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ chỉ đạo tổ chức đại hội các Hội công chứng viên địa phương tiến tới chỉ đạo thành công Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II; hỗ trợ việc thành lập Hội Công chứng viên tại các tỉnh (Hà Nam, Điện Biên, Quảng Trị).

Đối với Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Bộ Tư pháp đề nghị chuẩn bị điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II theo đúng chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, kịp thời, chủ động báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý đối với cơ quan có thẩm quyền; huy động, phát huy trí tuệ của đông đảo công chứng viên tham gia vào xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến hoạt động công chứng.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND cấp tỉnh: quan tâm chỉ đạo việc tổ chức đại hội Hội công chứng viên và việc thành lập Hội công chứng viên ở địa phương chưa thành lập Hội thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết số 172/NQ-CP; phát triển tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên có kiểm soát phù hợp với nhu cầu của địa phương; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thanh tra liên ngành kịp thời xử lý các vi phạm …

Bên cạnh đó, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên cần tiếp tục nâng cao vai trò tự quản của mình; đổi mới và nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành hoạt động của các tổ chức này để hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên có bước đột phá, thực chất và hiệu quả; thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi cho công chứng viên; giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; huy động, tập hợp trí tuệ của đông đảo công chứng viên tham gia vào các hoạt động xã hội nói chung và các sự kiện pháp lý nói riêng.

Về lâu dài, cần sửa đổi Luật Công chứng, trong đó có bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công chứng và phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Đến nay, cả nước có 3.011 công chứng viên (gồm 383 công chứng viên của Phòng Công chứng và 2.628 công chứng viên của Văn phòng công chứng); 1.295 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), trong đó có 120 Phòng công chứng và 1.175 Văn phòng công chứng. Tại 63/63 địa phương đều có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa.

Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng, các TCHNCC trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng

Đọc thêm