Va chạm nhỏ, hậu quả... rúng động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, đã xảy ra những câu chuyện làm bàng hoàng cả cộng đồng. Chỉ từ những va chạm nhỏ trong cuộc sống hàng ngày khi tham gia giao thông, tranh cãi..., nhưng do những cái đầu nóng giận, do cách hành xử kém văn hóa, thiếu văn minh, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều vụ xô xát, ẩu đả xảy ra chỉ từ va chạm nhỏ khi tham gia giao thông trên đường phố. (Ảnh minh họa: ST)
Nhiều vụ xô xát, ẩu đả xảy ra chỉ từ va chạm nhỏ khi tham gia giao thông trên đường phố. (Ảnh minh họa: ST)

Bi kịch từ những va chạm nhỏ...

Vụ việc gây rúng động gần đây nhất là vì mâu thuẫn tại một quán cà phê “hát cho nhau nghe” ở Hà Nội, một người đàn ông đã có hành vi mua xăng đốt nhà khiến 11 người thiệt mạng. Điều đau lòng là khởi điểm vụ va chạm vốn chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ là một xung đột nhỏ, do không được kiểm soát đã trở thành thảm kịch không thể cứu vãn, gây nên nỗi đau cho biết bao con người, bao gia đình.

Cũng thời điểm này, một số câu chuyện không hay xuất phát từ những va chạm đơn giản trong cuộc sống liên tiếp diễn ra. Như sự việc tài xế ở Bình Phước dùng xe bán tải của mình chặn đầu xe của người khác rồi dùng gậy sắt, bình xịt hơi cay đe dọa, chỉ vì tài xế xe nọ bấm còi xin vượt. Một người đàn ông khác, khi lái xe ô tô lưu thông chậm trên đường gần khu vực bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, được một người điều khiển xe máy nhắc nhở nhường đường cho xe máy lưu thông, đã xuống xe, đả thương người nhắc nhở bằng thái độ hung hãn và hành vi bạo lực. Và còn không ít sự việc đáng buồn khác, như hai thanh niên đánh đập một người mẹ đơn thân chỉ vì vào cửa hàng mua dao mà người phụ nữ không bán, hay nhân viên xe bus ẩu đả với shipper từ một va chạm nhỏ...

Những kẻ gây tổn thương cho người khác, gây hậu quả nghiêm trọng trong những sự việc nói trên đã phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, đáng buồn là những hành xử như thế đã xảy ra và tiếp diễn suốt bao lâu nay trong đời sống. Những câu chuyện đáng buồn ấy đã và đang gây ra nỗi bất an, sợ hãi trong Nhân dân, đồng thời tạo nên bức tranh phản cảm, xấu xí về hành xử kém văn hóa trong cộng đồng.

Xây dựng văn hóa ứng xử từ gốc là rất quan trọng

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của cách hành xử nói trên là do áp lực của cuộc sống hiện đại khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài và dễ dàng bộc lộ sự nóng giận, thiếu kiểm soát khi xảy ra xung đột. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong những nguyên nhân. Một khi đã là chuyện xảy ra thường xuyên, nó không còn là câu chuyện bộc phát do áp lực, mà phải nói đến “lỗ hổng” trong văn hóa hành xử.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, để dẫn đến thực trạng này, nguyên nhân không chỉ có một và cả một cộng đồng cần thẳng thắn nhìn nhận để thay đổi. Điều đầu tiên cần nói đến ở đây chính là sự hạn chế trong giáo dục về văn hóa ứng xử. Tại một số gia đình, nhà trường và cả trong xã hội, văn hóa ứng xử đôi khi chưa được coi trọng đúng mức. Một bộ phận trẻ em lớn lên thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và không hiểu rằng hành vi của mình có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Cạnh đó, yếu tố tiêu cực từ mạng xã hội cũng là một nguyên nhân quan trọng mang tính “thời đại”. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội đang có nguy cơ thúc đẩy xu hướng cổ súy bạo lực khi một số nội dung như video cãi vã, đánh nhau, chơi xấu... được lan truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự chú ý.

“Chính vì vậy, việc chung tay xây dựng văn hóa ứng xử từ gốc là rất quan trọng, với vai trò then chốt là giáo dục gia đình và nhà trường. Mỗi một con người, ngay từ khi có nhận thức, cần được chú trọng dạy về cách quản lý cảm xúc, biết xin lỗi khi sai và kiềm chế khi đối mặt với xung đột” - bà Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh.

Cạnh đó, cũng theo bà Lê Thị Minh Nga, cần đến sự kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đại chúng theo nội dung tích cực, khai thác yếu tố nhân văn để định hình tư duy tích cực trong cộng đồng... của các cơ quan chức năng. Việc tăng cường tính thực thi và nghiêm minh của pháp luật, chế tài và truy cứu trách nhiệm mạnh mẽ nhằm nâng cao tính răn đe và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân là một yếu tố cực kì quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của cộng đồng.

Và hơn hết, chính là ý thức cá nhân của mỗi con người. Mỗi người cần soi xét, nhìn nhận, tự rèn luyện ý thức hành xử của bản thân, bắt đầu từ những hành động nhỏ như nhường đường, kiềm chế lời nói trong lúc nóng giận, luôn đặt mình vào vị trí người khác... Cần luôn tâm niệm rằng, văn hóa ứng xử không chỉ là bộ mặt của xã hội, mà còn là “di sản” vô giá của cả một cộng đồng dành cho thế hệ tương lai.

Đọc thêm