Nâng cao văn hóa giao thông bằng chế tài và giám sát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực trạng tài xế chạy ẩu, phạm luật là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Hệ lụy đằng sau nó là những vụ tai nạn nghiêm trọng, là sự tang thương, mất mát cho biết bao gia đình. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự giám sát hiệu quả và xử lý nghiêm bằng chế tài.
Tài xế xe bồn chạy ngược chiều trong đường dân sinh ở Củ Chi. (Ảnh: A.X)
Tài xế xe bồn chạy ngược chiều trong đường dân sinh ở Củ Chi. (Ảnh: A.X)

Khi tài xế… “nhờn” luật

Thời gian gần đây, nhiều vụ tài xế lái xe ẩu đã gây bức xúc dư luận, không chỉ bởi tính nghiêm trọng của sự việc, mà còn bởi sự ngang nhiên vi phạm, bất chấp pháp luật của một bộ phận tài xế. Như sự việc diễn ra ngày 26/10, một tài xế xe bồn trộn bê tông đã thản nhiên chạy ngược chiều tại một ngã tư trên tỉnh lộ 8, đoạn qua thị trấn Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Đáng nói, thời điểm xe bồn này chạy ngược chiều, trên đường có rất đông xe cộ đang lưu thông. Hành vi lái xe ngược chiều trên cao tốc của cánh tài xế cũng diễn ra không ít trong thời gian qua, gây bất bình trong dư luận.

Ngoài ra, thực tế các vụ tai nạn xảy ra đã cho thấy, một bộ phận tài xế chuyên nghiệp rất thiếu ý thức pháp luật nghiêm trọng khi tham gia giao thông trên đường. Ngoài hành vi chạy ngược chiều, còn có phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại... Nhiều vụ việc tài xế phóng qua đèn đỏ ở các ngã tư đường ngay cả thời điểm tan tầm đang đông đúc.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 12.321 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.255 người, bị thương 9.599 người. Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hồi tháng 7, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành đã phân tích, nguyên nhân là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm các quy tắc giao thông còn diễn ra khá phổ biến.

Làm thế nào hạn chế hành vi vi phạm?

Thực tế, câu chuyện tài xế chuyên nghiệp như lái xe taxi, xe chở hàng, xe bus, xe khách ngang nhiên vi phạm luật giao thông đã không quá xa lạ đối với cộng đồng. Nhiều camera xử phạt cũng như clip của người dân đã ghi lại những cảnh tượng hết sức đáng lo ngại, đó là cảnh tài xế xe bus, xe tải ép xe máy “văng” vào lề đường, tài xế xe khách vừa lái xe, vừa ăn mì, “buôn dưa lê” hoặc xem phim...

Những trường hợp vi phạm, khi bị phát hiện đều bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Như các vụ lái xe ngược chiều nói trên đã bị cơ quan công an phạt tiền, tước giấy phép lái xe có thời hạn theo quy định của Nghị định 100/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2021 NĐ-CP. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không chỉ là xử lý sau vi phạm, mà làm thế nào để nâng cao ý thức người lái xe, không còn hành vi “nhờn” luật.

Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trong dự thảo mới nhất của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cơ quan soạn thảo có nhiều đề xuất liên quan nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc, theo đó đề xuất nâng mức phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (đang áp dụng) lên tới mức từ 30 - 40 triệu đồng đối với tài xế ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, đề xuất trừ toàn bộ 12 điểm giấy phép lái xe của tài xế có hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc. Ngoài ra, còn có một số quy định chế tài nghiêm khắc về hành vi dừng đỗ không đúng quy định, về chuyển làn, sai làn... trên cao tốc. Một số chuyên gia cho rằng, cạnh chế tài nghiêm, nâng các mức quy định xử phạt, tước giấy phép cho các hành vi phạm luật cả trên đường cao tốc và đường dân sinh, thì việc cải thiện chất lượng đào tạo và cấp bằng cho tài xế chuyên nghiệp, đặc biệt chú trọng đào tạo về đạo đức nghề nghiệp là điều rất quan trọng. Cạnh đó, còn cần đến các giải pháp ứng dụng công nghệ vào giám sát hành vi của tài xế nhằm khiến tài xế không tận dụng những lỗ hổng không ai biết để “lách luật”.

“Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim”, đó là một slogan không bao giờ cũ. Chỉ khi những tài xế biết trân trọng sinh mạng con người, có ý thức tuyệt đối về tuân thủ luật giao thông, thì mới có thể giảm thiểu số vụ tai nạn, giảm đi những bi kịch, mất mát, thương tâm cho người tham gia giao thông.

Đọc thêm