Nghịch lý tăng trưởng du lịch và hạ tầng hàng không
Theo Travel Off Path, Phú Quốc dẫn đầu trong 5 điểm đến nổi bật nhất, được coi là những trung tâm phát triển du lịch nhanh nhất Đông Nam Á. Đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất Việt Nam, nơi du khách quốc tế được hưởng chính sách miễn thị thực, khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp và trải nghiệm những hoạt động đầy hấp dẫn.
Đáng chú ý, tháng 1 vừa qua, sân bay Phú Quốc trở thành tâm điểm chú ý về tốc độ tăng trưởng ấn tượng với số lượng hơn 108.000 ghế được bổ sung, tương đương với mức tăng trưởng 185,2%. Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong số các sân bay ở Đông Nam Á, khẳng định hiệu quả của chính sách miễn thị thực và sự thúc đẩy hợp tác giữa các hãng hàng không, tăng cường khai thác các đường bay mới và số lượng chuyến bay đến Phú Quốc.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á trong tháng 1/2025 nhưng sân bay Phú Quốc sở hữu công suất khai thác thấp nhất so với top 10 sân bay dẫn đầu theo Aviation A2Z (trang thông tin hàng không của Ấn Độ). Trong bối cảnh ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng bùng nổ và cột mốc APEC 2027 tới gần, nhu cầu nâng cấp năng lực hàng không của đảo ngọc trở nên vô cùng cấp thiết và không thể chờ đợi thêm.
Năm 2024, sân bay Phú Quốc đã khai thác hơn 4,1 triệu khách (gần 2 triệu khách quốc tế), vượt công suất thiết kế. Trong khi, quy hoạch dự kiến đến năm 2025 lượng hành khách thông qua sân bay Phú Quốc đạt khoảng 7 triệu lượt. Trung bình mỗi ngày Tết Ất Tỵ vừa qua sân bay Phú Quốc đón gần 40 chuyến quốc tế, tương đương 10 - 12 nghìn khách/ngày. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, thống kê giai đoạn cao điểm, tính từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024 đến mùng 3 Tết Ất Tỵ 2025, có hơn 800 chuyến nội địa và quốc tế đưa đón khách đến đảo ngọc Phú Quốc.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một trong những hình ảnh phổ biến nhất về du lịch Phú Quốc là chật kín khách quốc tế và cũng là hàng dài khách… tắc tại sân bay vài tiếng đồng hồ để chờ làm thủ tục nhập cảnh.
Sân bay Phú Quốc đã “gồng mình” hoạt động vượt công suất để đáp ứng được lượng khách du lịch tăng cao dịp Tết. Đại tá Bùi Thế Dương, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng quốc tế Phú Quốc cho biết, hiện nay ở ga quốc tế có 7 quầy kiểm soát thủ công và 2 quầy kiểm soát tự động tại khu vực nhập cảnh; 5 quầy làm thủ tục thủ công và 2 quầy tự động tại khu vực xuất cảnh. Dịp cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, có 70 - 80% cán bộ, chiến sĩ trực xuyên Tết. Tuy nhiên, hiện sân bay đã đón lượng khách vượt công suất thiết kế nên khó tránh ùn tắc cục bộ vào một số thời điểm, gây phiền hà cho hành khách.
Ông Nguyễn Minh Đông, Giám đốc sân bay Phú Quốc cho biết, công suất hiện tại là 4 triệu khách/năm, trong đó có 3 triệu khách quốc nội và 1 triệu khách quốc tế. “Trong năm 2024, chúng ta khai thác được hơn 4,1 triệu, trong đó gần 2 triệu khách quốc tế”, ông Đông khẳng định công suất đã vượt nên các phương án sắp tới cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu khách đi và đến Phú Quốc trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, tình trạng quá tải hạ tầng hàng không, dịch vụ yếu kém ngay "cửa ngõ" thành phố du lịch Phú Quốc sẽ là nhân tố gây cản trở, là “điểm nghẽn” cho sự phát triển của Phú Quốc, nhất là khi hòn đảo này đã được lựa chọn là điểm đến APEC 2027, bình chọn là đảo đẹp thứ 2 thế giới, vị thế ngày càng được nâng cao trên thế giới.
“Bộ mặt quốc gia” tại APEC 2027
Năm 2017, Đà Nẵng đã từng chạy đua trong 6 tháng để xây dựng nhà ga VIP tại khu vực nhà ga quốc tế cùng mở rộng sân đỗ máy bay để đáp ứng phương án khai thác 70 - 75 vị trí đỗ, không chỉ nâng cao sản lượng thương mại mà còn cần có thể đón cùng lúc 30 - 50 chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia. Bộ phận dịch vụ mặt đất được tăng cường để đáp ứng tăng công suất phục vụ APEC lên 180 chuyến/ngày.
|
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang quá tải |
Nhưng hiện nay, sân bay Phú Quốc chỉ có thể đón cùng lúc 6 - 8 chuyên cơ, một con số vô cùng khiêm tốn. Trong khi, với dịch vụ mặt đất hiện nay mỗi ga xuất, nhập cảnh cũng có 7 quầy kiểm soát thủ công và 2 quầy kiểm soát tự động.
Cụ thể, tại Đà Nẵng năm 2017, ngay trước thềm Hội nghị, các dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay trước nhà ga quốc tế; mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc và xây mới đường lăn E7 và Nhà khách VIP tại sân bay Đà Nẵng đã được hoàn thành kịp thời để đưa vào vận hành đúng dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Đặc biệt, dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không (CHK) quốc tế Ðà Nẵng có 40 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy xuất cảnh, 22 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tàu bay, hai đảo xử lý hành lý đi và 4 đảo trả hành lý đến… với công suất 6 triệu hành khách/năm, đáp ứng 1.600 hành khách/giờ cao điểm, đã góp phần quan trọng vào thành công ấn tượng của APEC 2017. Cho đến nay, nhà ga quốc tế trở thành bệ phóng chắp cánh cho du lịch Đà Nẵng, xứng tầm là cửa ngõ của Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng với thế giới. Điều này cho thấy vai trò hạ tầng hàng không đối với điểm đến du lịch tầm cỡ, nơi tổ chức sự kiện đẳng cấp thế giới như APEC là quan trọng ra sao.
Việc tổ chức Hội nghị APEC 2027 được đánh giá là vận hội để Phú Quốc bứt phá, vươn mình. Mốc thời gian này đang cận kề nhưng hiện tại sân bay Phú Quốc đang quá tải đón khách, khó khăn trong sắp xếp chuyến bay hạ cánh cùng lúc vào khung giờ cao điểm. Trong khi tại APEC đặt ra yêu cầu khắt khe về vị trí đỗ cho các chuyên cơ, lẫn việc tiếp đón nguyên thủ, lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia.
Nếu tiếp tục duy trì hạ tầng như hiện tại, chắc chắn Phú Quốc sẽ bị du khách quốc tế quay lưng, bỏ lỡ cơ hội trở thành điểm đến các sự kiện quốc tế lớn. Chính bởi vậy, cần nhanh chóng nâng cấp, mở rộng, cải thiện chất lượng dịch vụ tại CHK Phú Quốc, thậm chí cần xã hội hóa để giảm tải áp lực vốn công, tìm ra nhà đầu tư giàu tiềm lực, kinh nghiệm, mang đến chất lượng đầu tư, chất lượng dịch vụ cạnh tranh, tốt nhất cho Phú Quốc.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang quá tải
CHK quốc tế Phú Quốc được đầu tư vào năm 2012 đạt quy mô cấp 4E, sản lượng khai thác sau khi đã nâng cấp năm 2018 hiện đạt 4 triệu lượt khách/năm. Nếu chia trung bình, công suất/ngày sẽ dao động trong khoảng gần 11.000 lượt, nhưng nếu nhìn vào số lượng khách dịp Tết vừa qua, dễ thấy CHK này đang hoạt động vượt gần 2 lần công suất thiết kế. Chưa kể theo báo cáo của ACV, dự kiến năm 2025, sản lượng khách qua cảng sẽ cán mốc 7 triệu hành khách/năm, cũng xấp xỉ gần 2 lần công suất thiết kế hiện có.
Nếu so với loạt CHK quốc tế tại các điểm đến nổi tiếng trong khu vực - những hình mẫu mà đảo ngọc đang hướng đến hay muốn “soán ngôi” như Phuket, Maldives hay Bali thì công suất của sân bay Phú Quốc khá khiêm tốn. Sân bay Phuket có công suất 12,5 triệu lượt khách/năm và đang được nâng cấp lên 18 triệu lượt vào năm 2027. Sân bay quốc tế Ngurah Rai tại Bali có thể đón 24 triệu lượt khách/năm và đang trên lộ trình nâng cấp lên 32 triệu lượt. Hay sân bay quốc tế Maldives cũng công suất thiết kế 7 triệu lượt khách/năm và cũng được nghiên cứu tăng lên 12 triệu lượt. Tương quan, con số 4 triệu lượt khách/năm cùng hạ tầng hiện tại của sân bay Phú Quốc còn hạn chế so với mục tiêu trở thành thành phố đáng sống, đáng đến, đáng đầu tư của khu vực nơi đón đến hơn 23 triệu lượt khách vào năm 2030. Hay gần hơn là xứng tầm “bến đỗ” của hàng loạt nguyên thủ quốc gia, giới doanh nhân, truyền thông và cả du khách quốc tế vào năm 2027 khi APEC diễn ra.