Năng lượng mới cho kinh tế Hải Phòng tăng tốc

(PLO) - Là cửa ngõ giao thương quan trọng của miền Bắc hướng ra thế giới và ngược lại, TP Hải Phòng được biết đến là một cực tăng trưởng của miền Bắc. Định hướng phát triển của TP Cảng đã được xác định rõ và đang thực thi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để nắm bắt thời cơ giúp Hải Phòng “ tăng tốc” theo định hướng đã đề ra cần có những giải pháp trọng tâm.

Khai thác triệt để tiềm năng, phát triển kinh tế theo chiều sâu

Phát triển kinh tế của TP Hải Phòng cần phải khai thác triệt để thế mạnh của cảng biển (cảng biển nước sâu) là hướng đi đúng đắn nhất, đặc biệt đúng khi đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Cảng biển là phương tiện, đồng thời là hạ tầng quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước hiện nay.

Vì vậy, mọi hoạt động phát triển kinh tế của TP cần lấy dịch vụ cảng biển làm hạt nhân trung tâm, ưu tiên nguồn lực hiện tại và tạo mọi điều kiện thuận lợi hướng đến sự phát triển không ngừng của dịch vụ cảng biển để hoạt động này đáp ứng tốt nhất, tương xứng với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Kinh tế của TP Hải Phòng sẽ phát triển thuận lợi và nhanh nhất khi TP Hải Phòng khai thác tốt nhất lợi thế cảng biển.

Kinh tế biển mà trọng tâm là dịch vụ cảng biển phát triển sẽ tạo lợi thế cạnh tranh riêng có và thương hiệu mạnh cho TP Hải Phòng. Đây chính là tiền đề tạo đà cho kinh tế TP phát triển nhanh (hiện gần 90% tổng thu ngân sách trên địa bàn TP có nguồn gốc từ hoạt động cảng biển).

Cùng với phát triển tiềm năng dịch vụ cảng biển, TP Hải Phòng cần tập trung, tận dụng tối đa nguồn lực phát triển nhanh hạ tầng của các loại hình giao thông khác, theo hướng hiện đại, đồng bộ để không chỉ phục vụ tốt nhất cho hoạt động dịch vụ cảng biển, mà còn tạo sức thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược đến với TP Hải Phòng. Điều đó sẽ tạo cho TP xung lực mới, nguồn lực lớn, làm tiền đề dẫn dắt kinh tế phát triển theo chiều sâu.

Quan điểm phát triển kinh tế theo chiều sâu, xanh, sạch cần được đồng thuận và thông suốt trong các cấp lãnh đạo TP, vì đây là xu hướng phát triển tất yếu, khách quan. Hiện nay, muốn kinh tế TP Hải Phòng phát triển theo chiều sâu, đồng nghĩa với việc TP chỉ được quyền lựa chọn các lĩnh vực, dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao, hiệu quả sử dụng vốn cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và cam kết đóng góp vào cải thiện phúc lợi xã hội.

Do vậy, đòi hỏi TP lựa chọn cho được những nhà đầu tư đủ năng lực, đủ kinh nghiệm thực hiện nhanh các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn với bảo vệ môi trường. TP cần hạn chế hoặc từ chối thu hút những dự án quy mô nhỏ, manh mún, cương quyết thu hồi những dự án treo, loại bỏ những dự án gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường.

Phối cảnh Khu công nghiệp Nam Đình Vũ - Hải Phòng

Sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững

Trước hết, TP cần thiết lập “sân chơi mới” đủ sức đón nhận mọi cơ hội cho kinh tế phát triển nhanh, bền vững. “Sân chơi” đó đảm bảo vận hành theo hướng các bên tham gia đều có lợi, khai thác triệt để nguồn lực, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực, nhưng cũng đủ sức kiểm soát, giám sát và dẫn dắt quá trình phát triển kinh tế trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Điều này có nghĩa TP cần cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo hơn hệ thống luật pháp của Trung ương, kết hợp với điều kiện thực tiễn, mục tiêu mong muốn đạt được để “luật hóa” thành cơ chế, chính sách cụ thể riêng có, phù hợp nhu cầu phát triển của TP. Hiện nay, một số lĩnh vực cấp bách mà TP cần quan tâm rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện, đó là: đất đai, khoáng sản, thu chi ngân sách, thủ tục hành chính, thu hút nguồn lực phát triển, đầu tư công và đầu tư tư.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cần chú trọng thu hút nguồn lực tư nhân. Hiện Hải Phòng là một trong số ít địa phương được đánh giá có nguồn lực tư nhân rất lớn, mong muốn TP phát triển nhanh thì nhất thiết phải có sự tham gia, đóng góp đáng kể từ nguồn lực này.

Hiện nay, giải pháp lớn nhất thu hút nguồn lực này chính là việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt Nghị định 15/2015/NĐ-CP (đối tác công - tư PPP) của Chính phủ vào địa bàn TP. PPP cần phải được khai thác triệt để, áp dụng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của TP càng sớm càng tốt, theo hướng lựa chọn những lĩnh vực nào, dự án nào thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư thì làm trước, những lĩnh vực, dự án nào khó khăn, vướng mắc cần có sự hỗ trợ của TP thì để làm sau. PPP của TP nhất thiết phải thể hiện tính an toàn, hiệu quả cao cho nhà đầu tư, cũng như trách nhiệm rõ ràng chia sẻ rủi ro của TP đối với nhà đầu tư.

Việc sử dụng hiệu quả hơn nữa ngân sách nhà nước. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực này, TP cần thực hiện triệt để một số giải pháp, như: công khai, minh bạch kế hoạch vốn đầu tư, danh mục dự án đầu tư, nhất là kế hoạch sử dụng vốn đầu tư trung hạn; đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu dự án có sử dụng vốn ngân sách; ngăn chặn đầu tư dàn trải và không phê duyệt dự án đầu tư công khi chưa xác định, cân đối được nguồn vốn; ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho trả nợ công trình hoàn thành, vốn đối ứng ODA, vốn thực hiện hợp đồng đối tác công tư - PPP; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nguồn thu, cũng như điều hành chi trên cơ sở phân cấp thu chi ngân sách cho các cấp ngân sách; ban hành các định mức, tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các đơn vị trong phân bổ ngân sách.

Đồng thời TP Cảng phải cử dụng, quản lý hiệu quả quỹ đất. Đất đai được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của TP, việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, quản lý đất đai chặt chẽ là yêu cầu cấp bách.

Trước mắt, TP cần tập trung điều chỉnh, hoàn thiện lại các quy hoạch trước một bước, với chất lượng cao nhất, đảm bảo đồng bộ và thống nhất giữa các quy hoạch, có tầm nhìn dài hạn. Lấy quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP làm trung tâm, xoay quanh là các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch các quận, huyện, để trên cơ sở đó hình thành cho được quy hoạch sử dụng đất chuẩn.

Từ đó so sánh, đối chiếu với hiện trạng sử dụng đất để định hướng cho sự điều chỉnh lại kế hoạch sử dụng đất, cũng như rà soát lại từng dự án đã giao đất, cho thuê đất. Cương quyết thu hồi diện tích đất sử dụng trái mục đích, đất tự ý lấn chiếm, đất của những dự án treo, sử dụng đất trái với quy hoạch; xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương các cấp, nơi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về đất đai; công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất chuẩn để nhân dân giám sát; quản lý chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Đọc thêm