Nâng tầm sắc vóc người Việt từ thể thao quần chúng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hồ Chủ tịch từng có câu: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Nhận thức được việc tập thể dục thể thao không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn nâng tầm sắc vóc của thế hệ trẻ Việt Nam, hiện nay, phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam ngày càng nhiều phong trào thể thao đẩy mạnh tinh thần luyện tập nâng cao sức khỏe của người dân. (Ảnh minh họa. Nguồn: IMSports).
Việt Nam ngày càng nhiều phong trào thể thao đẩy mạnh tinh thần luyện tập nâng cao sức khỏe của người dân. (Ảnh minh họa. Nguồn: IMSports).

Đẩy mạnh phong trào thể thao

Các cụ xưa có câu: “Có sức khỏe là có tất cả”, quả thật vậy, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, tập thể dục không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mà còn ngăn ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm như huyết áp, tim mạch, stress (căng thẳng),... Liều thuốc “miễn phí”, dễ dàng thực hiện nhất chính là tập thể dục thể thao mỗi ngày.

Nhận thức được con người là tiềm lực quan trọng trong việc phát triển xã hội, thúc đẩy kinh tế, đưa đất nước vươn lên “sánh vai với bạn bè năm châu”, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển thể dục thể thao quần chúng nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống người dân. Lấy ví dụ, hiện nay, ở mỗi phường, xã, quận huyện, đều có công viên cây xanh, sân vui chơi trang bị nhiều dụng cụ thể dục thể thao để người dân ở mọi lứa tuổi có thể tham gia luyện tập. Theo thống kê của Vụ thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có 651/710 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện; gần 8 nghìn trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, phường, thị trấn; hơn 76 nghìn nhà văn hóa - khu thể thao thôn.

Không chỉ tạo điều kiện để người dân tập thể dục, thể thao miễn phí ở nhà văn hóa, công viên, Đảng và Nhà nước còn thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng, bằng nhiều cuộc thi được tổ chức, lan tỏa giá trị tốt đẹp, nhân văn. Như vào ngày 24/3 vừa qua, Chương trình “Vinh quang Thể thao Việt Nam” và trao thưởng cho các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) tiêu biểu toàn quốc năm 2023; Lễ phát động Ngày chạy Olympic, Giải chạy Báo Hà Nội Mới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội thu hút rất nhiều người tham gia. Được biết trong tổng số 4.500 người tham gia, có đến 1.000 người là vận động viên chuyên nghiệp. Giải chạy có ý nghĩa xã hội rộng khắp, nhằm tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc rèn luyện thân thể, nâng cao thể chất, tầm vóc con người trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Trong những năm gần đây, tinh thần thể dục thể thao quần chúng còn lan tỏa mạnh mẽ đến người dân ở mọi lứa tuổi, từ người cao tuổi đến công nhân viên chức, học sinh, sinh viên. Năm 2023, các trường học đã tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị công tác tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước; phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai tổ chức mô hình bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống, thể thao đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch....

Thể thao quần chúng giúp mọi người cải thiện sắc vóc, sức khỏe và trí tuệ. (Nguồn: VOV2)

Thể thao quần chúng giúp mọi người cải thiện sắc vóc, sức khỏe và trí tuệ.

(Nguồn: VOV2)

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, thành lập cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân, bảo đảm để các cơ sở thể thao công lập và tư nhân được bình đẳng trong việc hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai theo quy định của pháp luật. Hiện nay, không khó bắt gặp những trung tâm thể dục, thể thao từ quy mô nhỏ đến các chuỗi phòng tập, hệ thống phòng tập được mở rộng rãi tại khắp nơi. Các bộ môn luyện tập vô cùng đa dạng, từ gym, yoga, boxing, đạp xe, bơi lội,...

Nhờ những chương trình, hoạt động đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng mà hiện nay, tỷ lệ người dân Việt Nam tập thể dục, thể thao ngày càng tăng lên. Kết quả ghi nhận vào năm 2023 cho thấy có gần 40% người thường xuyên luyện tập thể thao, hơn 27% các gia đình thường xuyên tham gia luyện tập.

Cải thiện sức khỏe người Việt Nam

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào, hoạt động thể thao, hiện nay, người dân Việt Nam có sự cải thiện về chiều cao. Theo số liệu của Tổng điều tra toàn quốc năm 2020 cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đạt 168,1cm với nam giới, và nữ đạt 156,2cm. So với kết quả của 10 năm trước, chiều cao của nam thanh niên đã tăng 3,7cm. Đối sánh với kết quả năm 2010, chiều cao của nữ thanh niên đã tăng thêm 2,6cm. Chiều cao trẻ em thành phố cao hơn 2cm so với trẻ em nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn nghèo, vùng hay xảy ra thiên tai và miền núi. Tốc độ tăng chiều cao trung bình của người Việt Nam đã gấp đôi so với năm 2000.

Cần đẩy mạnh phong trào thể thao ở Việt Nam. (Nguồn: TA galaxy).

Cần đẩy mạnh phong trào thể thao ở Việt Nam. (Nguồn: TA galaxy).

Nếu như trước đây, chiều cao được nhiều người mặc định là dựa theo yếu tố di truyền nếu bố mẹ cao, con sẽ cao. Ngược lại, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, yếu tố di truyền là một phần tác động đến chiều cao của con người. Phần còn lại phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và các hoạt động thể chất của mỗi người. Trong hơn chục năm qua, chế độ ăn uống của thanh thiếu niên Việt Nam đã khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng hơn, việc tập thể dục thể thao dần được chú ý. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung trong các nước Châu Á, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn có chiều cao tương đối khiêm tốn.

Học hỏi từ các nước bạn như Nhật Bản, cho thấy từ năm 1950 đến năm 2021, chiều cao trung bình của người dân đất nước hoa anh đào đã tăng lên đáng kể. Nam giới từ 1m50 lên 1m72, nữ giới từ 1m49 lên 1m58. Đất nước từng được coi là “thấp bé nhẹ cân”, nay vươn lên cả sắc vóc, lẫn tiềm lực kinh tế, xã hội. Một trong những bí quyết được các nhà khoa học Nhật Bản chia sẻ đó là thanh thiếu niên ở đây được chú trọng tập thể dục, thể thao ngay từ khi còn bé.

Thực tế, thể dục thể thao với những bài tập căng cơ, siết cơ, kéo giãn không chỉ tạo nên một cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn mà còn giúp giãn cột sống, cơ gân khoeo (ở chân), kích thích hóc môn giúp thanh thiếu niên phát triển chiều cao. Hơn nữa, một cơ thể khỏe mạnh, sẽ đi kèm với một trí tuệ sáng suốt. Đây là lý do, rất nhiều quốc gia chú trọng việc giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện cả về học văn hóa và thể chất.

Đặc biệt hơn, việc tập thể dục thể thao không chỉ tác động đến chiều cao của con người, mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ. Theo thông tin từ Bộ Y tế, người Việt dù có tuổi thọ tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống nhưng lại có số năm phải sống chung với bệnh tật nhiều. Cụ thể, trong 10 quốc gia tại Đông Nam Á, tuổi thọ của nam giới Việt Nam đứng thứ 5, còn nữ giới xếp vị trí số 2 nhưng trung bình mỗi người lại có tới 10 năm phải sống với bệnh tật.

Cũng theo báo cáo của WHO vào vài năm trước, cho thấy một tỷ lệ lớn bệnh mãn tính có khả năng phòng ngừa nếu giải quyết được 4 yếu tố nguy cơ chính: Sử dụng thuốc lá, lười vận động, uống rượu và chế độ dinh dưỡng không lành mạnh. Nhiều người trung niên, người già ở Việt Nam thường dừng lại việc tham gia các hoạt động thể thao vì lý do cơ thể đã già. Nhưng không ít các nghiên cứu khoa học trên thế giới lại đưa ra kết luận khác. Theo nghiên cứu của Luc van Loon, Giáo sư sinh học con người tại Đại học Maastricht (Hà Lan) và các đồng nghiệp cho thấy, sau ba tháng luyện tập tạ, những người ở độ tuổi 85 trở lên đã đã cải thiện sức mạnh và khối lượng cơ bắp tăng nhiều hơn. Điều này giúp các giáo sư đưa ra kết luận “tập thể dục thể thao không bao giờ là muộn”.

Ứng với tinh thần thể thao quần chúng ở Việt Nam cho thấy, nhờ việc luyện tập đều đặn, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, chiều cao người Việt Nam đã thay đổi. Lấy ví dụ thực tế, ngày nay, việc thấy những cô gái với chiều cao 1m70-1m80 không hề hiếm gặp nữa, như Hoa hậu Bảo Ngọc cao trên 1m80, Hoa hậu Mai Phương Thúy có chiều cao 1m80 và rất nhiều phụ nữ Việt có chiều cao mang tầm quốc tế. Nhưng ngoài ra, cải thiện sắc vóc, sức khỏe không chỉ ở thế hệ trẻ, mà thể thao giúp người già khỏe mạnh hơn, tăng tuổi thọ. Năm 2023, cụ bà 78 tuổi Phạm Thị Ngọc Cầm tại Hà Nội đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là kỷ lục gia Việt Nam với bộ môn thể thao Yoga dưới nước cùng thành tích ấn tượng. Ở độ tuổi U80, cụ bà không chỉ giữ được trí tuệ minh mẫn mà còn có một cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh không kém các thanh thiếu niên. Trong cuộc thi, bà Cầm đã biểu diễn những tư thế xoay vòng, uốn dẻo ngay trong làn nước, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai môn thể thao là bơi và yoga.

Thời gian qua, thể thao quần chúng đã và đang đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam. Các phong trào, hoạt động phát triển mạnh cả về chất và lượng. Song để nhân rộng hơn lợi ích từ việc tập thể dục thể thao đến cho người dân, cần các cấp, ngành chức năng, địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tạo điều kiện, khuyến khích người dân tập luyện, giao lưu, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.