Náo nức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2017

(PLO) -Xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, các địa phương đều có các hình thức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật một cách thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Một buổi lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật của Trường Tiểu học Tiền Phong - Hà Nội
Một buổi lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật của Trường Tiểu học Tiền Phong - Hà Nội

Vì vậy, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được các tỉnh, thành tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, nhưng có tập trung hơn trong 2 tháng 10 và 11 với cao điểm từ ngày 6/11 đến ngày 11/11/2017.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chủ đề Ngày Pháp luật năm nay là: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp”. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tập trung vào các nội dung trọng tâm là công tác hoàn thiện thể chế; công tác tổ chức thi hành pháp luật...

Trên cơ sở hướng dẫn này, UBND TP Hà Nội yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố chủ động xác định hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Hoạt động hưởng ứng của Thủ đô chú trọng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, tín dụng; các chính sách tư vấn, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…

UBND tỉnh Hà Nam thì lên kế hoạch tổ chức quán triệt Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật về khởi nghiệp, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học, các khu công nghiệp và về cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phổ biến về Ngày Pháp luật; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trong tuần lễ cao điểm cho công chức, viên chức, người lao động, hội viên tại cơ quan, đơn vị.

Tại tỉnh địa đầu phía Bắc của Tổ Quốc, Hà Giang lại quyết tâm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật; phát động, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật (trực tuyến, sân khấu hóa); sử dụng hiệu quả mạng lưới thông tin cơ sở; nhân rộng mô hình ngày hội pháp luật; thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình để bình luận, đối thoại chính sách, định hướng dư luận... Trong những ngày này, toàn tỉnh cũng ra quân tình nguyện, hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp gắn với giáo dục khởi nghiệp; tư vấn pháp luật, thực hiện trợ giúp pháp lý; mở phiên tòa xét xử lưu động…

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2017, TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Ngày Pháp luật năm 2017; phát động Cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2015 và phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 thông qua. Một trong những mục đích của các hoạt động thực hiện Ngày Pháp luật năm nay của Cần Thơ chính là tăng cường hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. 

Các hoạt động nô nức hưởng ứng Ngày Pháp luật trên đây của các địa phương đã phát huy tính tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Không những thế, các hoạt động ấy còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân khắp mọi miền đất nước.

Đọc thêm