Nát bàn tay, chấn thương khắp cơ thể do dùng điện thoại khi đang sạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Đa khoa Bắc – Thăng Long (Bắc Giang) mới tiếp nhận một người bệnh nữ bị chấn thương nặng do nổ điện thoại khi vừa sạc vừa sử dụng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng vùng bàn tay phải, lộ gân, xương, tổn thương nặng vùng mặt, cổ và nhiều vùng khác trên cơ thể.

Các bác sĩ đã xử trí băng cầm máu vết thương, bù dịch, giảm đau, chống sốc và chuyển tuyến cho bệnh nhân lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 7 tuổi (địa chỉ Chiềng Lao - Mường La) bị thương do nổ sạc dự phòng điện thoại.

Mặc dù các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến cáo về việc không nên sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chủ quan.

Để tránh những tai nạn thương tâm và đáng tiếc xảy đến người dùng cần lưu ý:

Kiểm tra chất lượng cáp sạc trước khi dùng: Trước khi cắm sạc vào nguồn điện, người dùng hãy kiểm tra thật kỹ xem cáp sạc có bị hỏng, đứt dây hay bong tróc lớp nhựa bảo vệ dây điện nào không. Các dây dẫn điện bên trong nếu bị hở do va đập, kéo căng sẽ rất nguy hiểm cho người dùng sạc. Nếu dây điện xuất hiện tình trạng trên đã đến lúc bạn nên bỏ ra một khoản để mua cáp sạc mới an toàn hơn.

Sử dụng sạc chính hãng, nguồn gốc rõ ràng: Có rất nhiều loại cáp sạc khác nhau được kinh doanh với nhiều mức giá trên thị trường, trong số đó có không ít loại kém chất lượng. Chính vì vậy, hãy tìm mua cáp sạc có nguồn gốc rõ ràng ở địa điểm phân phối uy tín và chất lượng. Bên cạnh đó nên tìm mua cáp sạc phù hợp với dòng máy mà bạn sử dụng, không phải bất cứ loại cáp sạc nào cũng phù hợp nên phải lưu ý điều này.

Hạn chế dùng máy khi đang cắm sạc: Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong khi sạc điện áp trên điện thoại sẽ khá cao dẫn đến tình trạng nóng máy và nếu vẫn tiếp tục sử dụng, nhiệt độ máy tăng cao có thể dẫn đến tình trạng cháy nổ hoặc giật điện.

Không cắm sạc ở nơi ẩm ướt, dễ chập nổ: Dù trường hợp này rất ít gặp nhưng bạn nên lưu tâm đến, chẳng hạn như tay đang ướt nhưng cầm củ sạc và cắm sạc, để dây sạc rối quấn quanh củ sạc trong khi sạc... và còn nhiều trường hợp khác dẫn đến rủi ro không mong muốn trong quá trình sạc.

Bảo quản cáp sạc đúng cách: Bảo quản cáp sạc đúng cách sẽ giúp chất lượng cáp sạc được đảm bảo và quá trình sạc pin trở nên an toàn hơn. Hãy luôn giữ gìn cáp sạc ở những nơi khô ráo, tránh trường hợp nhét vào túi xách và ngăn kéo bừa bãi khiến cáp sạc bị va đập và hư hỏng.