Nẻ có phải là bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào mùa đông, không ít người gặp phải tình trạng nứt nẻ, nặng hơn là chân tay nứt toác, chảy máu. Vậy đây có phải là một bệnh hay không? Và làm thế nào để cải thiện tình trạng này? 
Da nứt nẻ vào mùa đông. Ảnh Mỵ Châu
Da nứt nẻ vào mùa đông. Ảnh Mỵ Châu

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nẻ chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là nẻ bàn chân, tay hay mặt thông thường không phải là bệnh. Loại thứ 2, nẻ là triệu chứng của một số bệnh khi các triệu chứng làm cho dầy da bàn tay và bàn chân, làm khô da, bàn tay thường nứt toác, chảy bật máu, gây đau đớn. Đơn cử như triệu chứng bệnh viêm da cơ địa và một số bệnh khác là dày sừng bàn chân, gót chân, vào mùa đông thì tình trạng này sẽ nặng hơn...

Cũng theo bác sĩ chuyên khoa II Đào Hữu Ghi, nguyên nhân nhiều người hay bị nẻ vào mùa đông là do hàng ngày không uống đủ lượng nước cần thiết để mô da đầy đặn và không bị khô, mất nước bên trong da vào mùa đông. Đồng thời, không ít người ngồi lâu trong phòng điều hoà, thời tiết hanh khô nên da mất càng mất nước, gây hiện tượng khô, nứt nẻ, nhất là người già, trẻ nhỏ có thể loét cả miệng, môi.

"Trời càng lạnh thì da càng khô hơn, đây là hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi trời lạnh... Thêm nữa, rất nhiều người ngại uống nước vào mùa lạnh, đợi khát mới uống, nước cung cấp cho da ít khiến da càng bị nẻ nặng hơn", Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương nói.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II, Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám cho 1 trường hợp bị nẻ bàn tay lâu năm.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II, Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám cho 1 trường hợp bị nẻ bàn tay lâu năm.

Thực tế có những người nứt nẻ rách cả thịt, nứt toác chân tay khiến đầu bàn tay tiếp xúc với nước nóng và cả nước lạnh bị tứa máu rất đau đớn, gặp khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Đào Hữu Ghi cho biết, tình trạng này nếu để lâu rất nguy hiểm, chỗ nẻ nứt chảy máu là có hiện tượng tổn thương hở, bắt buộc phải chữa lành vết thương. Hiện tượng bị nứt như vậy là hiện tượng dầy da, là bệnh và bắt buộc phải bạt sừng.

"Nứt nẻ sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nứt da ở tay thì cầm nắm khó khăn, ở chân đi lại gây đau. Bệnh nhân phải đi khám và dùng thuốc làm mỏng da. Vết thương chảy máu phải được điều trị như một vết thương hở, bôi kháng sinh tránh nhiễm trùng", bác sĩ Ghi lưu ý.

Đối với những người bị nẻ đơn thuần, bác sĩ Ghi khuyến cáo không sử dụng mỡ bôi có thành phần corticoid. Nếu lạm dụng bôi lâu sẽ gây teo da và tình trạng khô da sẽ tăng lên, nặng hơn, dẫn đến hệ lụy suy giảm miễn dịch tại chỗ, kéo theo nhiều bệnh khác.

Người dân cần sử dụng vitamin, uống nước, bổ sung chất dưỡng ẩm, những chất có chứa Urê làm mềm mại cho da và để cải thiện da khi bị nứt nẻ. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh khi da khô nứt nẻ cũng quan trọng. Vì nếu da nứt nẻ bị bật máu không vệ sinh sạch sẽ dẫn đến hiện tượng bội nhiễm và nhiễm trùng.

"Người bị nẻ đơn thuần không cần phải dùng thuốc hay kiêng khem, trong trường hợp bị nứt nẻ thông thường chúng ta chỉ cần tăng cường uống nước, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế sử dụng nước nóng hoặc nước lạnh, tốt nhất là dùng nước ấm. Nếu càng rửa nước nóng thì càng gây hiện tượng mất nước khô da", Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II, Đào Hữu Ghi nhấn mạnh.

Đọc thêm