Thế nhưng, việc tiếp cận để thông tin đến khách hàng về chính sách hỗ trợ cũng gặp không ít trở ngại bởi một bộ phận không nhỏ khách hàng cố tình né tránh liên lạc để thực hiện ý định trốn nợ.
Tình trạng “bùng nợ” gia tăng trong mùa dịch
Theo kết quả của khảo sát nhanh về việc làm và thu nhập của người lao động do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Văn phòng Chính phủ) và báo VnExpress thực hiện cho thấy 62% người lao động mất việc vì COVID-19 (trên tổng số 69.132 người lao động tham gia khảo sát online từ ngày 1-5/8). Trong số này, 50% mất việc trong 1-3 tháng, 25% mất việc dưới 1 tháng và 15% đã không còn việc làm hơn nửa năm qua.
Cũng do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, số duy trì được theo "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến" cũng giảm một nửa lao động, nên cơ hội tìm lại việc làm lâu dài với người lao động là khá khó khăn. Mất việc đột ngột trong khi khoản tích lũy có hạn đã khiến nhiều người lao động có thu nhập thấp và trung bình rơi vào khó khăn, không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, trong đó bao gồm cả các chi phí trả nợ khoản vay, mua trả góp tại các công ty tài chính tiêu dùng.
Thực hiện các chỉ đạo và định hướng của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và công ty tài chính đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng thanh toán các khoản vay, bao gồm cả vay tiêu dùng. Tuy nhiên bên cạnh những khách hàng thực sự khó khăn, chủ động liên hệ với công ty tài chính nhằm tìm kiếm sự đồng hành trong mùa dịch, cũng có không ít người vay thiếu ý thức và trách nhiệm, cố tình chây ì trả nợ, trốn nợ. Thậm chí, tình trạng rủ nhau “bùng nợ” khi vay tại các công ty tài chính tiêu dùng ngày càng tăng
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của thực trạng người dân trốn trách nhiệm trả nợ là do kiến thức về tài chính tiêu dùng và pháp luật còn nhiều hạn chế dẫn đến ý thức thanh toán và trách nhiệm đối với khoản vay chưa cao, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sau như nợ xấu, khó vay các tổ chức tín dụng hợp pháp khác.
Nhiều người mất cơ hội được miễn giảm lãi nếu cố tình trốn nợ
Việc cố trình né tránh và thiếu thiện chí khi làm việc với các tổ chức tín dụng, không chỉ ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của khách hàng mà còn khiến nhiều khách hàng bỏ lỡ cơ hội được hưởng các gói hỗ trợ. Từ việc cố ý né tránh các cuộc gọi của các tổ chức tín dụng, người dân không thể tiếp cận thông tin về các chương trình hỗ trợ, điều kiện cụ thể cũng như cách thức để được áp dụng chương trình.
Được biết, trong năm 2020 và năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành và triển khai quyết liệt, đồng bộ hàng loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế, trong đó trọng tâm là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN hay gần đây nhất là việc sửa đổi Thông tư 01 để phù hợp với diễn biến mới của dịch nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện đã có nhiều ngân hàng, công ty tài chính đơn cử như FE CREDIT liên tục triển khai các chương trình miễn, giảm lãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, từ tháng 6/2021, FE CREDIT đã liên tục triển khai các chương trình miễn giảm lãi cho các đối tượng khách hàng gặp khó khăn tài chính hoặc bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đáp ứng các điều kiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước và quy định nội bộ của FE CREDIT.
Chia sẻ về việc hỗ trợ khách hàng cũng như trách nhiệm trả nợ trong mùa dịch, đại diện FE CREDIT cho biết công ty thấu hiểu, thông cảm và mong muốn chia sẻ những khó khăn của khách hàng do dịch bệnh gây ra. Hiện FE CREDIT đang xây dựng mức lãi suất phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, có tới 400.000 khoản vay được hưởng lãi suất ưu đãi, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng. Đại diện công ty này chia sẻ thêm, từ nay đến cuối năm, FE CREDIT cũng dự tính triển khai thêm nhiều chương trình miễn giảm lãi và ưu đãi lãi suất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn về việc khách hàng cần có có trách nhiệm đối với khoản vay của mình nhằm đảm bảo lịch sử tín dụng tốt, giúp cho những giao dịch tài chính sau này được thuận lợi. Việc người vay có trách nhiệm trả nợ sẽ giúp hạn chế rủi ro nợ xấu, góp phần phát triển tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Trách nhiệm đó thể hiện trước hết ở việc xem kỹ các thông tin về khoản vay, bao gồm số tiền cần trả, lãi suất, hạn thanh toán hàng tháng, điều khoản thanh toán trước hạn, chủ động liên hệ tới các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn trong quá trình trả nợ… Mỗi khách hàng cần luôn ý thức được trách nhiệm trả nợ trước khi quyết định ký hợp đồng vay tiêu dùng.