Nên thành lập Phòng Pháp chế ở những Sở, ngành nào?

(PLVN) -Có thể thành lập Phòng Pháp chế hoặc ghép tổ chức pháp chế vào Thanh tra để thành lập tổ chức Thanh tra - Pháp chế hoặc Văn phòng - Pháp chế (ở các Sở, ngành không thành lập tổ chức Thanh tra). Đây là định hướng dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Số lượng Phòng Pháp chế giảm mạnh

Được sự quan tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, thời gian qua việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế đã cơ bản được thực hiện theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, nhiều tổ chức pháp chế được thành lập và từng bước đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả, cụ thể:

Ở các địa phương, trước khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, cả nước có 40 Phòng Pháp chế và có 70 Tổ công tác pháp chế tạm thời. Sau hơn gần 04 năm thực hiện Nghị định, đến ngày 28/02/2015, cả nước đã thành lập được 291 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tăng 236 Phòng, trong đó có 276/882 Phòng Pháp chế được thành lập tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có 08/63 địa phương đã ban hành quyết định thành lập được từ 14 Phòng Pháp chế trở lên; 28/63 địa phương đã thành lập, kiện toàn được một số Phòng Pháp chế.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, kể từ đầu năm 2015, khi các địa phương bắt đầu thực hiện các thông tư, thông tư liên tịch của các bộ, ngành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành, việc củng cố, kiện toàn Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có nhiều biến động, dẫn đến tình trạng nhiều Phòng Pháp chế bị giải thể hoặc ghép với phòng chuyên môn khác. Tính đến ngày 01/4/2021, cả nước chỉ còn 55 Phòng Pháp chế tại các cơ quan (trong đó chỉ có 40/882 Phòng Pháp chế được thành lập tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; 15 Phòng Pháp chế được thành lập theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP), giảm 236 Phòng so với năm 2015. Tại các cơ quan khác không thành lập được Phòng Pháp chế, công tác pháp chế được giao cho Văn phòng Sở hoặc ghép công tác pháp chế với phòng chuyên môn hoặc bố trí cán bộ văn phòng hoặc thanh tra thực hiện

Có thể lập Phòng Pháp chế hoặc ghép tổ chức pháp chế

Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, không làm tăng biên chế trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức và bảo đảm tính linh hoạt trong việc chọn mô hình tổ chức pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, dự thảo Nghị định thiết kế 02 phương án.

Phương án 1 quy định theo hướng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương, quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc ghép tổ chức pháp chế vào Thanh tra để thành lập tổ chức Thanh tra - Pháp chế (trên cơ sở những điểm tương đồng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra và chức năng, nhiệm vụ pháp chế) hoặc phòng chuyên môn, nghiệp vụ, lấy tên là Phòng chuyên môn, nghiệp vụ - Pháp chế (ở các Sở, ngành không thành lập tổ chức Thanh tra).

Phương án 2 quy định bắt buộc thành lập Phòng Pháp chế ở 06 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông vận tải; Sở Y tế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là các cơ quan chuyên môn thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, nên đòi hỏi phải có tổ chức pháp chế độc lập để tham mưu các vấn đề về mặt pháp lý cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn. Đối với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc ghép tổ chức pháp chế vào Thanh tra để thành lập tổ chức Thanh tra - Pháp chế. Trường hợp cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thành lập tổ chức Thanh tra thì ghép tổ chức pháp chế vào phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Có ý kiến cho rằng, nên quy định ghép Pháp chế với Văn phòng để thành lập Văn phòng – Pháp chế, vì hiện nay, một số cơ quan chuyên môn đang ghép tổ chức pháp chế vào thành một bộ phận của Văn phòng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc ghép tổ chức pháp chế vào các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ sẽ bảo đảm tương thích giữa tiêu chuẩn người đứng đầu của tổ chức pháp chế với người đứng đầu phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, kết quả tổng kết thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho thấy, số lượng tổ chức pháp chế được ghép vào phòng chuyên môn, nghiệp vụ các cơ quan chuyên môn là tương đối lớn, chiếm đa số và hiện nay đang hoạt động ổn định. Do đó, dự thảo Nghị định được thiết kế theo hướng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thành lập tổ chức Thanh tra thì ghép tổ chức pháp chế vào phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Đọc thêm