Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

(PLVN) - Sáng 8/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Theo Báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066 tỷ đồng; khởi tố hình sự 650 vụ, 1.913 đối tượng.

Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, kinh tế đất nước tiếp tục đà phục hồi, phát triển tích cực. Các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, vùng biển, địa bàn nội địa.

Đồng thời lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, các đối tượng sẽ tăng cường các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục quán triệt, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024;

Tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, xăng dầu, đường cát, vàng, ngoại tệ…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn, phối hợp tốt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó phải nêu cao vai trò của người đứng đầu; các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những “lỗ hổng” về pháp lý, sai sót để nhắc nhở các lực lượng chức năng trong việc thực thi đạo đức công vụ; thường xuyên quan tâm, nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, nhất là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Phó Thủ tướng mong các cơ quan truyền thông tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức để người dân trở thành những người tiêu dùng thông minh.

Đối với việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các quy định còn bất cập và gửi tới 3 địa chỉ: Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền, nội dung nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; tăng cường hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tại Hội nghị, các địa phương phản ánh việc xử lý hàng vi phạm qua đường hàng không mất nhiều thời gian do cần có sự tham gia của nhiều lực lượng; việc bảo quản và xử lý tang vật, vật chứng thu giữ gặp nhiều khó khăn do thiếu nơi lưu giữ; thời gian xử lý hàng hoá bị tịch thu kéo dài. Bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu trong hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do hệ thống quy định của pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.

Do đó, nhiều địa phương kiến nghị cần rút ngắn thời gian xử lý hàng hoá vi phạm qua đường hàng không; hoàn thiện quy định về bảo quản, xử lý tang vật, vật chứng để tránh thất thoát, hư, hỏng tài sản Nhà nước và cá nhân; hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý hoạt động thương mại điện tử nhằm phòng ngừa buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và tránh thất thu thuế.

Đọc thêm