Nếu Covid-19 kéo dài, 50% DN chỉ 'trụ' được nửa năm?

(PLVN) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về tác động của Covid-19 tới DN Việt Nam.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Khảo sát này cho thấy, dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của DN trong quý I. Gần 35.000 DN đã rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm nay, là con số kỷ lục từ trước đến nay. “Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rời thị trường lớn hơn số thành lập mới”, báo cáo nêu.

Theo kết quả khảo sát, gần 85% DN cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với năm 2019.  

Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp, chỉ khoảng 30% DN duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% chỉ trụ được nửa năm. Trong khi đó, hơn 75% phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

“Chưa ai dự báo lúc nào dịch bệnh qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc. Khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói.

VCCI kiến nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.    

Theo ông Lộc, các địa phương đang có cách hiểu khác nhau, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Chẳng hạn, nhiều địa phương đưa ra quy định không cho phép lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, đình chỉ hoạt động của DN sản xuất, đình chỉ việc thi công của công trường xây dựng.

“Cần cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế giá trị gia tăng VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, BHXH, phí công đoàn. Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, BHXH, phí, lệ phí, đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ”, ông Lộc đề nghị.

VCCI cho rằng, Chính phủ cần trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. VCCI cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021 và đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%.

Đọc thêm