Xây dựng tiêu chí để đánh giá
Với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, tư vấn điều phối chính sách và giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính, trong năm 2014 NFSC đã đưa ra những nhận định về triển vọng nền kinh tế ngay từ những tháng đầu năm, qua đó đề xuất nhiều kiến nghị chính sách, trong đó có một số khuyến nghị quan trọng như: việc phân loại nợ tiệm cận thông lệ quốc tế theo Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có lộ trình thích hợp, phù hợp với năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) và tiến trình tái cơ cấu thị trường tài chính; kiến nghị điều chỉnh khuôn khổ luật pháp (bao gồm một số nghị định và một số luật) liên quan đến tài sản đảm bảo nợ vay nhằm giúp Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và các TCTD có điều kiện đẩy nhanh tiến trình phát mãi tài sản xử lý nợ xấu; cùng với đó, Ủy ban cũng đề xuất một số giải pháp kỹ thuật để xử lý nợ xấu ngân hàng…
Theo Phó Chủ tịch NFSC Hà Huy Tuấn, một điểm lưu ý nữa trong hoạt động năm 2014 của NFSC là cơ quan này đã ban hành một loạt hệ thống chỉ tiêu giám sát như: Hệ thống tiêu chí giám sát cẩn trọng vĩ mô (MPIs), sẽ đưa ra một khung cảnh báo sớm với 30 tiêu chí giám sát; hệ thống chỉ tiêu giám sát lĩnh vực bảo hiểm; đang trong quá trình phê duyệt để ban hành Hệ thống chỉ tiêu giám sát lĩnh vực chứng khoán.
Đặc biệt, NFSC đã ban hành quy định tạm thời về khung nguyên tắc và nội dung giám sát tập đoàn tài chính (TĐTC) tại NFSC. Trong đó xác định: căn cứ định dạng loại hình TĐTC; loại hình tài chính trọng yếu trong tập đoàn; nguyên tắc định dạng loại hình TĐTC; nội dung giám sát TĐTC, bao gồm giám sát riêng lẻ (từng định chế tài chính trong tập đoàn) và giám sát cấp độ tập đoàn.
“Có thể nói, việc ban hành khung nguyên tắc, nội dung giám sát TĐTC đã tạo tiền đề quan trọng và là cơ sở giúp cho Ủy ban có thể đánh giá một cách tương đối toàn diện rủi ro của một TĐTC, đặc biệt xét trong bối cảnh khung khổ pháp lý về TĐTC và giám sát TĐTC còn thiếu và chưa hoàn thiện...” - ông Tuấn lưu ý.
Thêm việc, không thêm người
Nói về công việc của NFSC, Chủ tịch NFSC – TS. Vũ Viết Ngoạn - cho rằng, sản phẩm của NFSC khác sản phẩm của các cơ quan khác và là những sản phẩm thầm lặng. “Nhiều khi khán giả chỉ muốn nhìn diễn viên trên sân khấu ước lệ của nền kinh tế là cơ quan quản lý nhà nước mà chưa nhìn thấy vai trò của những nhân viên hậu đài làm nên thành công của đêm diễn như NFSC…” - ông Ngoạn ví von.
Một điểm rất khác với những cơ quan tương tự của các nước là số lượng cán bộ của NFSC ít hơn rất nhiều, trong khi vẫn đảm nhiệm một khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, trong đề xuất của mình, NFSC vẫn mong muốn được “gánh” thêm việc, đó là định kỳ báo cáo tình hình tài chính của một số TĐKT nhà nước lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chủ tịch NFSC, với vai trò cơ quan tham mưu của Chính phủ, trong năm 2015 NFSC sẽ tham gia vào nghiên cứu, tìm hiểu tình hình “sức khỏe” tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Sẽ có khoảng 8-9 tập đoàn, tổng công ty lớn nằm trong danh sách này.
Theo ông Hà Huy Tuấn, hiện NFSC đang có thuận lợi để đảm nhiệm công việc này, đó là NFSC đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính đối với các tổ chức tài chính dựa trên các tiêu chí an toàn do các cơ quan quản lý quy định và tham khảo các thông lệ quốc tế theo chuẩn mực CAMELS và các chuẩn mực của IMF và OECD; và về cơ bản, các tiêu chí an toàn tài chính áp dụng cho các TĐKT nhà nước có nhiều điểm tương đồng với các tổ chức tài chính.
Thêm vào đó, NFSC đã có Ban Giám sát các TĐTC được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện NFSC đã ban hành quyết định quy định các nội dung, nguyên tắc giám sát TĐTC, trong đó có những tiêu chí về sở hữu chéo, đầu tư chéo trong nội bộ tập đoàn.
Những nguyên tắc, nội dung này sẽ là cơ sở hữu ích để phân tích, đánh giá tình hình tài chính các TĐKT. Thực tế, thực hiện chức năng tham mưu điều phối chính sách kinh tế vĩ mô, NFSC định kỳ vẫn báo cáo đánh giá tình hình tài chính của hơn 600 DN niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.