Theo đó, giá khởi điểm bán doanh nghiệp được xác định theo nguyên tắc không thấp hơn tổng giá trị phần vốn nhà nước đã được xác định theo quy định và giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) theo giá công bố của UBND cấp tỉnh nếu người mua kế thừa các khoản nợ; không thấp hơn tổng giá trị doanh nghiệp đã được xác định theo quy định nếu người mua không kế thừa các khoản nợ.
Cụ thể, căn cứ vào phương thức bán (bán đấu giá hoặc bán trực tiếp), phương thức thanh toán (một lần hoặc nhiều lần), mức giá đặt mua, số lao động mà người mua tiếp tục sử dụng để quyết định giá bán nhưng không thấp hơn giá khởi điểm.
Trường hợp bán doanh nghiệp mà có từ hai người đăng ký mua trở lên thì phải bán theo một trong hai phương thức đấu giá sau: Đấu giá kế thừa toàn bộ số lao động còn lại, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết một phần số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đấu giá không kế thừa lao động, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết hết số lao động hoặc đã phê duyệt phương án giải quyết hết số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trường hợp chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp.
Quản lý và sử dụng số tiền bán doanh nghiệp
Số tiền bán doanh nghiệp sau khi nộp vào ngân sách nhà nước phần giá trị quyền sử dụng đất (nếu có), được sử dụng vào các mục đích sau: Thanh toán các chi phí phục vụ cho việc bán doanh nghiệp; thanh toán các khoản nợ mà người mua không kế thừa; thực hiện chính sách đối với người lao động khi bán doanh nghiệp; số tiền còn lại được nộp về: Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ trong trường hợp bán công ty thành viên, bộ phận phụ thuộc của công ty mẹ.
Công ty TNHH một thành viên trong trường hợp bán bộ phận doanh nghiệp của công ty TNHH một thành viên. Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong trường hợp bán công ty TNHH một thành viên.
Chính sách đối với người lao động
Đối với người lao động được tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp mới, doanh nghiệp được bán có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp từ thời điểm ký hợp đồng mua bán trở về trước; đồng thời, người lao động thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới khi chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp mới.
Người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm, thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng và người được cử làm đại diện phần vốn của doanh nghiệp được bán tại doanh nghiệp khác làm việc theo chế độ bổ nhiệm được Bộ hoặc UBND cấp tỉnh hoặc Hội đồng thành viên công ty mẹ xét từng trường hợp cụ thể để bố trí việc làm.
Trường hợp không sắp xếp được việc làm hoặc cho thôi việc theo nguyện vọng thì thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.