Nga hồi sinh căn cứ tàu ngầm tuyệt mật ở Crimea

(PLO) - Một căn cứ tàu ngầm tuyệt mật đã được Liên Xô xây dựng dưới lòng đất tại cảng Balaclava - Crimea trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Khi sáp nhập Crimea, Nga đang có ý định phục hồi căn cứ tàu ngầm có vai trò chiến lược, vốn bị Ukraine biến thành một bảo tàng làm “át chủ bài” chặn bước tiến NATO.
Bên trong công trình 825GTS. Ảnh: WANDR
Bên trong công trình 825GTS. Ảnh: WANDR
Theo lời kể của Đại úy Botta Pinker, người đã từng phục vụ cho GRU (Tổng cục Tình báo quốc phòng Nga) thời Xô viết, câu chuyện căn cứ tàu ngầm mà ít người biết đến và khả năng Quân đội Nga sẽ hồi sinh nó trở lại đang dần dần hé lộ. 
Bí mật mang tên “Công trình 825GTS”
Theo các văn kiện thời Xô viết, tháng 8/1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, giáng một đòn nặng nề xuống người dân nước này. Vụ thảm sát bằng bom nguyên tử của Mỹ đã gây chấn động thế giới, khiến cho Thống soái Stalin bàng hoàng. 
Để tránh cho Liên Xô rơi vào thảm cảnh như Nhật Bản, Stalin hạ lệnh xây dựng công trình phòng vệ chống hạt nhân quốc gia cực kỳ bí mật. Công trình quân sự cơ mật này được trao mật danh “Công trình 825GTS”, xây dựng trong lòng một quả núi ở vịnh Balaclava thuộc bán đảo Crimea.
Balaclava là cảng nước sâu nằm ở phía Nam Crimea, bên bờ Biển Đen, có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho tàu ngầm trú ẩn. Nó được che chắn một mặt bởi di tích Genoese, pháo đài thời trung cổ đẹp như tranh vẽ, một mặt là núi Kastron, theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “trống rỗng”. 
Địa hình tự nhiên ở Balaclava với eo biển hẹp, rộng từ 200 - 400m thích hợp cho việc bảo vệ cảng trước gió bão cũng như trước các khí tài trinh sát của đối phương; nước biển ở khu vực này sâu khoảng 17m, thích hợp cho tàu ngầm di chuyển. Núi Kastron, nơi căn cứ tọa lạc bên trong được cấu tạo bằng đá cẩm thạch với độ dày lên đến 126m, giúp căn cứ chống đỡ được cả những cuộc tấn công hạt nhân. 
Bên trong công trình 825GTS. Ảnh: WANDR
 Bên trong công trình 825GTS. Ảnh: WANDR
“Công trình 825GTS” bắt đầu khởi công xây dựng sau khi Stalin mất được 4 năm và hoàn thành vào năm 1961. Toàn bộ công trình có diện tích khoảng 15.000m2 nằm gọn trong quả núi này, được bảo vệ bởi lớp tường bê tông dày 56m. Công trình này có thể chịu đựng được sự tấn công trực tiếp của các vũ khí hạt nhân, có  lượng nổ tương đương 100.000 tấn TNT (100kiloton), gấp hơn 7 lần sức công phá của quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. 
Lượng dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm trong các kho dự trữ trong căn cứ đủ cung cấp cho 3000 người sinh sống, làm việc liên tục trong 3 năm. Ngoài ra, ở đây còn có sở chỉ huy, tiệm bánh, nơi trữ nhiên liệu và dầu, bệnh viện, khu nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, phòng tắm và phòng giải trí…, tất cả đều độc lập với hệ thống phòng ngự trên mặt đất.
Hai mặt của ngọn núi Kastron có hai cửa ra được ngụy trang một cách khéo léo, ngoài ra còn có một cửa vào. Khi cần, cửa này có thể được bít kín bằng một chiếc tàu bơm hơi. Kết cấu chủ đạo của “Công trình 825GTS” là một hệ thống kênh ngầm chằng chịt tỏa ra nhiều hướng, thông với ụ tàu, xưởng sửa chữa, kho chứa ngư lôi và các loại vũ khí khác. Cánh cửa dày hàng mét có thể hoàn toàn che giấu được căn cứ tàu ngầm trước những cặp mắt tò mò từ bên ngoài. 
Át chủ bài ngăn bước tiến NATO
Đại úy Botta Pinker cho biết: “Đây là căn cứ bí mật và đầy bí ẩn trong lịch sử Liên bang Xô viết, bạn không thể tìm thấy tên của nó trên bản đồ, bất kỳ ai dù đến từ bất kỳ nơi nào ở Liên Xô đều không được phép xâm nhập vào “thành phố” nếu không được phép”. 
Để gia tăng tính bí mật của căn cứ quân sự này, KGB đã cho xây dựng sáu cơ sở giám sát và huấn luyện, là chỗ trú quân của 200 nhân viên phản gián của KGB và GRU. Khi đó, kỹ thuật vệ tinh chưa phát triển hiện đại như bây giờ, cho nên căn cứ quân sự này đã khiến cho người Mỹ phải đau đầu. 
Viên cựu đại úy GRU lấy ví dụ: “Sáng sớm, vệ tinh của Mỹ phát hiện 19 tàu ngầm ở trong cảng, đến cuối ngày đã thấy bảy chiếc đi đâu mất, nên họ cảm thấy vô cùng lo lắng. Sau đó vài hôm, trong cảng lại có thêm năm chiếc tàu ngầm nữa, nhưng cũng không biết là từ nơi nào đến”.
Bên trong công trình 825GTS. Ảnh: WANDR
Bên trong công trình 825GTS. Ảnh: WANDR 
Sau khi quyết định sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, xuất hiện một số thông tin cho rằng, Moscow sẽ khôi phục lại căn cứ tàu ngầm Balaclava như dưới thời Xô viết. Hiện nay, Hạm đội Biển Đen của Nga thường trực ở Crimea chỉ có các tàu nổi neo đậu ở căn cứ Sevastopol, còn tàu ngầm đóng quân ở tận căn cứ Novorossiisk thuộc vùng Krasnodar. Vì vậy, việc Nga khôi phục căn cứ tàu ngầm Balaclava cũng là điều hợp lý.
Hạm đội Biển Đen hiện chỉ có trong biên chế một chiếc tàu ngầm sửa đổi từ Đề án Kilo 877 mang số hiệu B-871. Tuy nhiên, Nga đang có kế hoạch tăng cường mạnh mẽ khả năng tác chiến ngầm cho Hạm đội này. Dự kiến, đến năm 2016, khi 6 tàu hộ vệ cực mạnh Project 11356 - lớp “Đô đốc Grigorovich” và 6 tàu ngầm Varshavyanka  (NATO gọi là Kilo) được bàn giao đầy đủ, Hạm đội Biển Đen sẽ trở nên rất mạnh, trở thành một căn cứ tiền tiêu phía tây nước Nga, là con át chủ bài trong chiến lược chống sự bành trướng về hướng đông của NATO, khống chế suốt khu vực từ Biển Đen ra đến Địa Trung Hải./.

Đọc thêm