Bài 3: Không có tiền mua nổi áo quan cho người chết
Sau khi chị Phúc chết, anh Nguyễn Hậu (SN 1983, chồng nạn nhân) suốt ngày ôm con khóc thương vợ. Chiều nào đi cạo mủ cao su về, anh lại ghé qua, ngồi bên mộ vợ đến tối mịt mới về.
Vợ đã chết, anh Hậu vẫn thường xuyên được cơ quan điều tra gọi lên để lấy lời khai. Ngày đầu thì anh được thông báo số nợ ở ngân hàng của vợ chồng mình sẽ được cho trả dần, nhà không còn bị siết. Thế nhưng bảy tháng sau, những cán bộ ngân hàng lại tiếp tục đến đòi nợ.
Thương vợ tự vẫn và khổ tâm thêm với cảnh cán bộ ngân hàng ngày ngày đến thúc ép. Người đàn ông này đã theo vợ tìm đến cái chết vào ngày 3/4/2011.
Anh Hậu cũng bỏ nhà đi trong ba ngày. Cũng như lần vợ anh “mất tích”, cả làng lại huy động người trắng đêm tìm kiếm. Cũng đúng đến ngày thứ ba anh mất tích, đoàn người đi tìm quanh các khu vườn, chợt nhìn xuống giếng nước của nhà hàng xóm thì thấy một đôi dép nổi lên. Một người leo xuống giếng khoắng nước, cây gậy chạm vào một thi thể người.
Cái chết của người đàn ông bị lừa tiền, bị siết nhà cũng tức tưởi như cái chết của vợ. Dáng người anh ngồi co rúm ở đáy giếng, vất vả lắm mọi người mới đưa được anh lên, chẳng biết cách nào để thi thể duỗi ra thanh thản.
Anh cũng để lại một bức thư tuyệt mệnh, giấu trong vỏ chiếc gối hay nằm. Trong lá thư tuyệt mệnh, anh Hậu viết: “...Nếu như sự ra đi của con mà làm lay động được chính quyền, nếu công lý vào cuộc mà bà Hoa trả tiền thì hai má hãy lấy số tiền đó nuôi giùm hai cháu cho nó nên người...”. Mỗi một con chữ cũng như thư tuyệt mệnh của vợ anh, đau như cứa vào lòng người.
Ngày Hậu chết, trong nhà không còn nổi một đồng để mua áo quan cho anh. Mọi người tới nhà “cò” Hoa cầu xin trả cho ít tiền để mua quan tài, nhưng một lời thương cảm của Hoa còn không có.
Uất ức, một người dọa dẫm: “Phúc vì mày mà chết, nay lại thêm chồng nó chết vì mày. Mày không đưa tiền, tao đưa xác vào nhà tao đổ”. “Cò” Hoa bình thản trả lời: “Mợ yên tâm đi, nhà con đông người lắm, nếu đổ xác vào thì con xẻo mỗi người một miếng ăn cho hết, chứ cần gì áo quan”.
Hai cuộc đời không Phúc Hậu như cái tên
Người mẹ của chị Phúc gạt nước mắt: “Cái Phúc chết, cơ quan điều tra không mổ khám nghiệm tử thi, nhưng sau này lại nhận được văn bản rằng thư tuyệt mệnh con gái tôi viết lại không phải là chữ ký của nó.
Đứa trẻ ngây thơ không biết rằng mẹ mình đã tự vẫn trong căn chòi này vì bị lừa đảo |
Không hiểu sao công an chẳng nhắc gì đến những nỗi đau đớn của chúng tôi, trong các bản kết luận điều tra về vụ việc lừa đảo của Hoa, không hề thể hiện rõ về hai cái chết của hai đứa con tôi chỉ vì nghèo đói, thiếu hiểu biết mà bị lừa đảo, cùng quẫn tìm đến cái chết”.
Hơn ba năm sau ngày tang thương ấy, nỗi đau vẫn chưa nguôi, những giọt nước mắt vẫn chảy trong căn nhà của cặp vợ chồng bạc mệnh. Cặp vợ chồng có tên Phúc – Hậu nhưng kẻ lừa đảo không cho họ được hưởng cuộc sống bình yên như cái tên.
Hai đứa con nhỏ của vợ chồng Phúc – Hậu, đứa cháu gái thì bà ngoại nuôi, cháu trai thì bà nội chăm sóc.Bốn bà cháu rau cháo nuôi nhau. Cả hai bà đều nghèo, bao nhiều tiền bạc ngày xưa đều đã đưa hết cho “cò” Hoa mượn.
Bé gái 16 tháng tuổi ngày mẹ tự vẫn, nay đã hơn bốn tuổi. Cháu vẫn hồn nhiên khi thỉnh thoảng thơ thẩn đến chơi căn chòi hoang năm xưa mẹ đã thắt cổ. Khách đến thăm nhìn cháu bé mút tay tinh nghịch trong căn chòi oan nghiệt, thấy cảnh này, vội vàng ngoảnh mặt đi giấu khóe mắt cay cay…
Hậu quả của vụ lừa đảo do Nguyễn Thị Hoa gây ra vẫn chưa dừng lại. Nhiều gia đình khác cũng bi thương không kém, khi lâm vào cảnh vì bị Hoa lừa tiền mà đột quỵ tắt thở…
Theo phản ánh của các nạn nhân, đối tượng Hoa trước đây thường hay đi thu mua cà phê của người dân trong xã Hòa Thắng nên cũng có mối quan hệ quen biết rất thân với nhiều hộ gia đình có nương rẫy. Sau này vì nhiều lần đi làm dịch vụ vay vốn ngân hàng, Hoa quen thân với những người làm việc ở ngân hàng Angribank Tân Lợi. Biết được những người dân nghèo thường có nhu cầu vay vốn để đầu tư cho mùa vụ cà phê, Hoa đã đứng ra với danh nghĩa giúp người dân vay vốn vì “các thủ tục vay vốn của ngân hàng rất phức tạp”. Đối với người nào Hoa cũng tạo được lòng tin ban đầu bằng sự thân mật gọi “cô, dì”, “xem nhau như chị em ruột thịt trong nhà”.
Sau nhiều lần vay vốn giúp một số hộ dân thì tiếng tăm của Hoa được nhiều người biết tới “là một người rất sòng phẳng trong mọi khoản tiền nong”. Mỗi hộp đồng nhờ Hoa vay vốn, Hoa đều “vay ké” bằng miệng. Người dân được Hoa gọi lên khi đã lo xong các thủ tục hồ sơ, Hoa bảo ký ở đâu thì nạn nhân đều ký theo sự chỉ dẫn. Mọi thông tin khác, Hoa là người tự điền vào. Vì thế rất nhiều người khi ngân hàng gửi giấy phát mãi mới té ngửa mình bị Hoa lừa vay ké, kê khống lên thành mấy trăm triệu.
Căn cứ kết quả điều tra, ngành kiểm sát xác định trong vụ án này bị can Nguyễn Thị Hoa đã chiếm đoạt tổng cộng 33.277.695.000 đồng của 58 chủ hộ có quan hệ vay vốn Agribank Đắk Lắk, thông qua mạng lưới “cò lừa” do Hoa thiết lập bằng cách móc nối quan hệ với một số công chức xã Hòa Thắng và cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Tân Lợi.
(Còn tiếp)