Ngã vào nồi nước sôi, bé gái 13 tháng tuổi bị bỏng thương tâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết đơn vị đã kịp thời cứu sống bé gái 13 tháng tuổi bị ngã vào nồi nước sôi mẹ nấu.
Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Ảnh: BVCC

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, bé gái này là cháu S.Đ. (13 tháng tuổi, quê Trà Vinh) được chuyển đến bệnh viện ngày 10/12 trong tình trạng bỏng toàn thân.

Các bác sĩ Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình đã tiến hành thăm khám và xác định bệnh nhi bị bỏng diện tích gần 20%, rải rác khắp nơi nhưng tập trung nhiều ở vùng ngực, bụng. Các bác sĩ tiến hành chăm sóc tích cực, thay băng vết thương liên tục.

“Sau 4 ngày điều trị tích cực, đến sáng nay (15/12), sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, vết thương lành tốt. Nếu không có gì diễn biến bất thường thì bệnh nhi sẽ được tiếp tục theo dõi, điều trị thêm 2 tuần nữa là xuất viện”, một bác sĩ Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Qua khai thác bệnh sử được biết, trong lúc mẹ của bé Đ. nấu nước để uống thì bất ngờ bé chạy đến và vấp ngã vào nồi nước đang sôi.

Sau tai nạn, nhiều vùng cơ thể bé Đ. bị bỏng nặng, cả đôi mắt cũng bị nhúng vào nước nóng. Gia đình lập tức chuyển Đ. đến bệnh viện địa phương, nhưng do tình trạng bỏng quá nặng nên các bác sĩ ở đây đã chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Ngồi gục đầu bên giường bệnh của con, chị P.N. (30 tuổi, mẹ của bé Đ.) thở dài cho biết: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con, bé gái này là đứa nhỏ, còn đứa lớn năm nay mới 3 tuổi. Từ ngày bé Đ. bị tai nạn, tôi phải lên đây chăm sóc, còn bé lớn phải nhờ bà chăm sóc. Cả gia đình chỉ sống vào nghề bẫy chuột của chồng nên cuộc sống rất khó khăn. Hiện nay dù bé có bảo hiểm y tế chi trả, nhưng các chi phí ăn uống, sinh hoạt và phải mua thêm các sinh phẩm y tế khác cũng rất tốn kém, gia đình không có khả năng”.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, trước đó, bệnh viện này cũng đã tiếp nhận 1 bé bị bỏng nước sôi với diện tích bỏng lên đến hơn 85% và đã tử vong.

Mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi. Riêng các trường hợp bỏng từ 20% trở lên cũng trên dưới 100 ca, trong đó có nhiều trường hợp bị biến chứng hoại tử nặng, điều trị kéo dài gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Theo các bác sĩ ở đây, ngoài bỏng nước sôi, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp bỏng lửa cồn, lửa xăng để lại những hậu quả nặng nề. Ngoài ảnh hưởng sức khỏe, bị sẹo co rút, sẹo toàn thân, các bé còn phải chịu điều trị kéo dài, mang lại gánh nặng viện phí lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân và chính gia đình, người chăm sóc.

“Đây là thời điểm cận Tết, các mùa lễ hội, vui chơi nhiều là lúc mà trẻ nhỏ dễ gặp các tai nạn sinh hoạt. Do đó, phụ huynh cần hết sức cảnh giác, chú ý theo dõi con em mình để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc”, bác sĩ khuyến cáo.

Đọc thêm