Ngẫm lại những oan sai từ vụ Hồ Duy Hải

(PLO) - Sự kiện bị án Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án tử hình vào thời khắc sát nút với giờ tiêm thuốc độc là chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Mẹ và em gái Hải khóc ngất
Mẹ và em gái Hải khóc ngất

Bùng phát kêu oan

Trách nhiệm và quyền hạn quyết định có giám đốc thẩm hay không là Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, tuy nhiên người nhận chịu hệ quả của quyết định này sẽ không riêng Hải, mà là cả nền tư pháp và công dân Việt Nam.
Qua đơn kêu oan, qua thông tin báo chí, hai luật sư (LS) Trần Văn Tạo (nguyên PGĐ Công an TP.HCM), và luật sư Trịnh Minh Tân (nguyên Kiểm sát viên VKSND TP.HCM) đã có văn bản lên tiếng yêu cầu giám đốc thẩm vụ án này, vì chưa xét về nội dung cáo buộc, hồ sơ vụ án đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Ngay trong trường hợp đúng người, đúng tội thì bản án, nhất là án tử hình cần phải bảo đảm đúng quy định về tố tụng. Huống chi đây là vụ án có chứng cứ phạm tội quá mờ nhạt, gượng ép, mà như LS Tạo đã nói “Án tử hình mà sai thì không thể sửa”.
Điều đáng nói là, không riêng vụ án Hồ Duy Hải, cũng trong năm 2014, nhiều vụ có mức án chung thân tử hình khác đã được minh định là oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ án vườn điều của Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Đặc biệt nghiêm trọng là trong vụ vườn điều, ông Nén đã phải chịu oan đến hai bản án tử.
Ngay sau vụ kêu oan của Hải, dư luận lại bùng lên vụ Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng kêu oan và đang được Ủy ban Tư pháp Quốc hội đưa vào giám sát. Tình trạng oan sai báo động đến mức Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ra nghị quyết giám sát về lĩnh  vực này, kêu gọi giới luật sư, luật gia cung cấp những thông tin, tài liệu về án oan sai.
Hy vọng rằng, sau đợt giám sát này, Ủy ban sẽ có những kiến nghị cụ thể để cải cách hoạt động tố tụng và hạn chế oan sai. Nhưng trước mắt, với những vụ án oan đã phát hiện cho thấy những vướng mắc, chưa phù hợp về pháp lý đang bộc lộ ở nhiều mặt, nhiều giai đoạn.
“Bệnh thành tích” phá án nhanh?
Điểm chung nhất của các vụ án này như sau: Bị cáo bị cơ quan điều tra ép, bức cung; các quy định tố tụng bị vi phạm; những lời phản cung, kêu oan tại tòa của bị cáo, các bằng chứng, luận cứ gỡ tội của LS không được xem xét, tranh luận; những đơn thư kêu oan của bị cáo và gia đình kéo dài trong nhiều năm đều bị chính những cơ quan truy tố, xét xử trả lời một cách chung chung là đã cáo buộc tuyên án đúng người đúng tội.
Với Hồ Duy Hải, gia đình và luật sư đã nhiều lần ra Hà Nội kêu oan đến tất cả các cơ quan trung ương. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, LS đã 43 lần gửi đơn nhưng không được ai xem xét. Việc Hải được hoãn thi hành án có phần từ những bức xúc, tác động ngoài cơ chế luật pháp tố tụng hiện hành và cũng không phải là việc tự phát hiện, xử lý của cơ quan tố tụng.
Nguyên nhân các cán bộ điều tra bức cung bị cáo được nhiều người giải thích là do bệnh thành tích muốn phá án nhanh, nhưng nhiều người giải thích là do luật pháp chưa ghi nhận và đảm bảo quyền im lặng của bị can, bị cáo.Luật tố tụng chưa có cơ chế để bảo đảm cho luật sư có mặt khi lấy cung nên cán bộ điều tra dễ lạm quyền.
Quyền im lặng của bị cáo không phải điều xa lạ mà là quy định phổ biến của nhiều nước trên thế giới, nó không chỉ bảo đảm cho bị can không bị ép cung, bức cung mà cũng chính là thách thức để cán bộ điều tra phải nâng cao nghiệp vụ, tôn trọng pháp luật. Để hạn chế oan sai, trước hết cần phải đưa quy định này vào luật và đảm bảo thực hiện một cách thực chất. Tránh tình trạng đối phó như đưa cựu Trưởng phòng cảnh sát điều tra làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải.
Một vấn đề nữa, có ý kiến cho rằng, hiện nay ngành công an vừa quản lý trại giam lại vừa làm công tác điều tra nên quyền lực với bị cáo, bị can quá lớn, dễ phát sinh dùng quyền lực quản lý để rúng ép bị can. Giải thích về chuyện tra tấn, nhục hình bị can, nhiều người cho rằng không phải chỉ đòn roi mới là tra tấn. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt quá tồi tệ cũng là hình thức tra tấn rất kín đáo mà rất khó tìm ra dấu vết, chứng cứ. Nếu cán bộ điều tra có quyền quyết định hoặc tác động đến việc quản lý ăn ở của phạm nhân, cũng dễ phát sinh sự lạm quyền, trấn áp phạm nhân bằng các điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt nếu không ngoan ngoãn khai đúng theo ý đồ của họ.
Vì sao “án bỏ túi”?
Theo quy định tố tụng, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải hoạt động độc lập. Thế nhưng cơ chế họp liên ngành: công an, kiểm sát, tòa án để thống nhất nội dung và hướng xét xử của từng vụ án dù không được pháp luật công nhận vẫn đang tồn tại phổ biến. Với cơ chế này thì việc xét xử công khai tại phiên tòa chỉ là hình thức vì bản án đã có trước đã được dự liệu trong phiên họp liên ngành trước đó thường được gọi là án bỏ túi. Lời bào chữa của luật sư, lời khai trước tòa dù có hợp tình hợp lý đến đâu vẫn vô ích, tòa không ghi nhận hoặc chỉ ghi vào bản án cho có lệ và phủ nhận bằng kết luận chung chung không cần tranh luận.
Điển hình là trong hai phiên tòa sơ phúc thẩm xử Hồ Duy Hải, luật sư đã đưa ra 43 điểm vi phạm tố tụng và buộc tội mâu thuẫn, thiếu chứng cứ nhưng bản án chỉ kết luận bằng một câu “tuy có vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng”…
Bị án Hồ Duy Hải
 Bị án Hồ Duy Hải
Không riêng bản án này mà có rất nhiều bản án khác cũng có tình trạng tương tự. Với lập luận này, chính tòa án, bản án đã phạm luật vì các quy định tố tụng là những lằn ranh không thể vượt qua, những điều không thể vi phạm, đã vi phạm thì phải hủy bỏ chứ không thể nói vi phạm ít hay nhiều, nghiêm trọng hay không.
Trước đây, có rất nhiều bản bỏ túi đã tuyên thời hạn phạt tù với số lượng ngày lẻ (thí dụ hai năm tám tháng bốn ngày) vừa với số ngày bị cáo bị tạm giam. Đáng lẽ phải tuyên vô tội và phải buộc cơ quan điều tra, truy tố bồi thường cho bị cáo bị giam oan, thì tòa án lại hợp pháp hóa bằng bản án tuyên có tội.
Nhiều người cũng cho rằng cơ chế bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ, cơ chế kỷ luật thẩm phán theo tỉ lệ án phải hủy cũng dẫn đến tiêu cực là tăng án oan sai. Thoạt nghe, cơ chế này tưởng như chặt chẽ, nghiêm khắc quản lý thẩm phán sát sao, xử phạt và loại trừ thẩm phán yếu kém. Thế nhưng thực tế chính cơ chế này đã làm phát sinh cơ chế ngầm khác để đối phó với việc bị hủy án và không được tái bổ nhiệm. Đó là cơ chế “xin duyệt án”.
Mặc dù luật quy định thẩm phán độc lập xét xử nhưng nhiều thẩm phán đã xé rào xin ý kiến duyệt án của lãnh đạo tòa cùng cấp hoặc tòa cấp trên. Chính vì vậy, cấp trên đã chuẩn thuận bản án cho cấp dưới nên dù có đơn xin phúc thẩm hay khiếu nại giám đốc thẩm vẫn y án ban đầu. Với cơ chế này, thẩm phán luôn bảo đảm an toàn dù bản án có sai sót đến mấy vì đã được cấp trên “bảo kê”.
Nhiều người đề nghị hủy bỏ cơ chế kỷ luật thẩm phán theo tỉ lệ án phải hủy để bảo đảm sự độc lập xét xử, nhưng có người cho rằng như vậy càng làm thẩm phán vô tư xử sai cũng chẳng làm sao. Để giải quyết mâu thuẫn này, nhiều ý kiến đã đề xuất lập tòa phá án là một tòa độc lập, chuyên xét xử các vụ án còn bị khiếu nại.
Những vụ oan sai đình đám vừa qua cho thấy mô hình và cách vận hành của hoạt động tố tụng của nước ta là chưa ổn, vừa chồng chéo, vừa sơ hở, cần phải cải cách triệt để, căn cơ để bảo đảm cho những cán bộ, viên chức hoạt động trong lĩnh vực này yên tâm phát huy nhiệm vụ vai trò của mình, bảo đảm xét xử công minh, đúng người đúng tội./.

Đọc thêm