Ngăn chặn buôn bán trẻ dưới “vỏ bọc” con nuôi

Thông qua việc xem xét báo cáo khảo sát của một chuyên gia hàng đầu thế giới, Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi (NCNQT) quốc tế đã quy định việc cấp phép cho các tổ chức hoạt động NCNQT là thủ tục bắt buộc. Luật NCN năm 2010 của Việt Nam cũng đã nội luật hóa quy định trên. Nhưng qua hơn 1 năm triển khai thi hành Luật cho thấy dường như các tổ chức con nuôi nước ngoài (CNNN) không “mặn mà”  với thủ tục cấp phép này.

Thông qua việc xem xét báo cáo khảo sát của một chuyên gia hàng đầu thế giới, Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi (NCNQT) quốc tế đã quy định việc cấp phép cho các tổ chức hoạt động NCNQT là thủ tục bắt buộc. Luật NCN năm 2010 của Việt Nam cũng đã nội luật hóa quy định trên. Nhưng qua hơn 1 năm triển khai thi hành Luật cho thấy dường như các tổ chức con nuôi nước ngoài (CNNN) không “mặn mà”  với thủ tục cấp phép này.

Ảnh minh họa

Cấp phép là thủ tục bắt buộc

Báo cáo của ông Hans van Loon – chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực NCNQT - đã xác định rất nhiều hành vi lạm dụng CNQT và chỉ ra mối liên hệ giữa những sự lạm dụng ấy với tình trạng phổ biến của các trường hợp xin con nuôi cá lẻ mà không có vai trò giám sát của các cơ quan công quyền cũng như sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp được cấp phép.

Chẳng hạn như hành vi buôn bán người dưới hình thức con nuôi, bán con (thường do cha mẹ đẻ quá nghèo), dùng thủ đoạn lừa gạt hay cưỡng ép (khi một cá nhân trung gian đi “thương thuyết” – phần lớn là phụ nữ - để bắt một phụ nữ có thai hoặc một bà mẹ từ bỏ con mình với lời hứa hẹn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn), bắt cóc (khi trẻ đang đi trên phố hoặc sân chơi), xúc tiến xin con nuôi hợp pháp bằng cách giả mạo giấy tờ, hối lộ cán bộ và che giấu tình trạng hộ tịch (giả làm cha mẹ để khai sinh cho trẻ, giả làm mẹ bỏ con để cho làm con nuôi)…

Từ những năm 1990 của thế kỷ XX thì “nhu cầu về trẻ em của các nước công nghiệp hóa và số lượng những trẻ em vô gia cư ở các nước đang phát triển đều gia tăng đã dẫn đến thực trạng buôn bán trẻ em xuyên quốc gia vì mục đích cho làm CNQT hoặc khoác áo CNQT để thực hiện những mục đích phi pháp khác ngoài những trường hợp cho nhận con nuôi thông thường theo quy định của pháp luật” – ông van Loon nêu rõ.

Trước thực trạng đó, Công ước Lahay yêu cầu cha mẹ nuôi phải nộp hồ sơ xin con nuôi thông qua các tổ chức được Chính phủ nước họ cấp phép hoạt động hoặc ít nhất cũng phải chứng minh rằng các tổ chức này đã xác nhận họ là những cha mẹ nuôi tương lai đủ điều kiện để xin con nuôi.

Tránh lạm dụng NCNQT

Nội luật hóa Công ước, Luật NCN năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định đầy đủ, chặt chẽ thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động NCN nước ngoài tại Việt Nam của tổ chức CNNN. Sau khi Luật có hiệu lực, số lượng các tổ chức CNNN được cấp phép hoạt động tại Việt Nam giảm gần một nửa.

Theo số liệu gần đây của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), Bộ đã xem xét, cấp giấy phép cho 25 tổ chức CNNN hoạt động tại Việt Nam theo Luật mới (so với trước khi có Luật là hơn 40 tổ chức). Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhận định: Mặc dù đã được cấp phép nhưng thực tế đến nay cho thấy, các tổ chức CNNN dường như chưa thực sự chủ động triển khai hoạt động. Nhiều tổ chức còn có tâm lý chờ đợi hoặc hoạt động còn bỡ ngỡ, lúng túng, chưa theo kịp những yêu cầu, đòi hỏi của Luật NCN và Công ước Lahay.

Cũng trong thời gian qua, với thẩm quyền của Cơ quan con nuôi trung ương, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) đã từ chối cấp phép hoạt động cho một số tổ chức CNNN do chưa “chịu” cập nhật quy định của Luật.

Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình, Cục đã bác đơn xin cấp phép đối với 1 tổ chức của Thụy Sỹ do tổ chức này được thành lập và hoạt động ở Thụy Sỹ nhưng chưa có đủ 3 năm hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, có 1 tổ chức khác nộp hồ sơ cấp phép rất sớm nhưng giấy tờ lại chưa đáp ứng yêu cầu của Luật nên chưa xem xét cấp phép và có 1 tổ chức tạm thời chưa cấp phép với nguyên nhân tương tự. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của trẻ em, tránh trường hợp lạm dụng NCNQT.

Sơn Hà

Đọc thêm