Ngăn chặn nạn 'chảy máu' cổ vật ra nước ngoài

(PLVN) - Sáng 26/6, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
 Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên họp.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Dự thảo Luật quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hoá ra nước ngoài.

Đồng thời, Dự thảo Luật quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên) đánh giá, dự thảo Luật có nhiều điểm mới về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phù hợp với thực tiễn hiện nay, hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và phù hợp với công ước của UNESCO.

Theo Đại biểu, quy định về đăng ký di vật, cổ vật tại Điều 39 dự thảo Luật, theo đó Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương, là hết sức cần thiết.

Qua đó, chúng ta có thể quản lý, nhận diện qua mã số, hình thành bộ dữ liệu di sản, quản lý việc trao đổi mua bán, trao đổi, mua bán di vật, cổ vật, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật trong các di tích, chùa chiền cũng như ngăn chặn nạn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Ban soạn thảo cần quy định mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật, cổ vật đã được đăng ký. “Có như vậy việc khuyến khích đăng ký mới có hiệu quả”, Đại biểu nói.

Đồng thời, Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương" cổ vật, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Cũng theo Đại biểu, để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước cổ vật, di vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước thì dự thảo Luật cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh kiếm lời nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương" cổ vật về nước.

Cũng quan tâm đến vấn đề quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử cùng các tổ chức, cá nhân như các hội trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ thực hiện công tác này.

“Ngoài Hội Khoa học và công nghệ thì Hội Khoa học lịch sử từ Trung ương đến địa phương đã và đang tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như khi tiến hành các công việc giám định di vật, cổ vật. Điều 39 dự thảo Luật cũng có quy định yêu cầu chuyên môn khi giám định có liên quan đến lịch sử niên đại của di vật, cổ vật”, Đại biểu phân tích.

Về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, theo Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, công tác này không chỉ bao gồm những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản; đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Nghiên cứu Điều 63 tại dự thảo Luật về nhiệm vụ của bảo tàng; Điều 41, 44, 48 về quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật và thực trạng nhiều hiện vật sau khi được khai quật, thu thập chưa thực sự được bảo vệ, bảo quản, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong môi trường, phù hợp với các yêu cầu về quản lý, trưng bày hiện vật, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật.

Đọc thêm