Ngăn chặn thuốc lá mới tấn công giới trẻ: Luật đã có sẵn, quan trọng là sớm thực thi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự hiện diện của các sản phẩm thuốc lá mới đến thời điểm này là cần phải gấp rút đưa ra biện pháp quản lý, vì nếu tiếp tục trì hoãn, hệ lụy trong xã hội sẽ càng leo thang, mà đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là giới trẻ.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên.

Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT ở độ tuổi 13 -15 là 3,5%.

Cần sớm rõ ràng quan điểm với thuốc lá mới để bảo vệ lợi ích các bên

Trong khi các bộ, ngành đã mất nhiều năm để thảo luận việc kiểm soát thuốc lá mới, ngoài xã hội, chỉ trong vòng 5 năm, tỷ lệ hút TLĐT ở giới trẻ đã tăng 18 lần, độ tuổi sử dụng mặt hàng này cũng có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Sự chậm trễ quản lý còn dẫn đến nhiều khó khăn cho cơ quan ban ngành trong phòng chống buôn lậu, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như dẫn tới nhiều hệ lụy liên quan. Đối với xã hội, đó là sự bất an của phụ huynh trong khi tội phạm buôn lậu không từ bỏ thủ đoạn để tấn công vào giới trẻ. Đối với người dùng, đó là chất lượng sản phẩm, nguy cơ về sức khỏe khi sử dụng sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí chứa chất cấm trá hình để lôi kéo.

Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) năm 2012, việc cấm các sản phẩm thuốc lá là khiên cưỡng, đồng thời, với những sản phẩm đã được xác định là thuốc lá như thuốc lá làm nóng (TLLN), lại càng thiếu cơ sở để cấm.

Chúng ta đã có thể xác định rõ TLLN là thuốc lá vì có chứa nguyên liệu thuốc lá. Không chỉ trong Luật PCTHTL đã có định nghĩa về sản phẩm thuốc lá, mà cả WHO cũng công nhận sản phẩm này là thuốc lá, đồng thời khuyến nghị các quốc gia quản lý TLLN dưới luật hiện hành và theo hướng dẫn của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Về mặt tác hại và tiềm năng giảm tác hại, các nghiên cứu khoa học sẽ có câu trả lời, nhưng rõ ràng, nếu TLLN đã là sản phẩm thuốc lá thì phải áp dụng theo luật kiểm soát thuốc lá.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên trong một lần tham dự tọa đàm về quản lý thuốc lá thế hệ mới do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên trong một lần tham dự tọa đàm về quản lý thuốc lá thế hệ mới do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh đó, dù cho phép hợp pháp hóa TLLN, cũng cần xác định rõ mục tiêu là tạo hàng rào pháp lý để bảo vệ giới trẻ và cộng đồng. Đồng thời, vì hiện đã có luật kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thuốc lá, các cơ quan quản lý nên áp dụng luật này để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội mua bán thuốc lá mới nhập lậu, từ phạm vi cá nhân đến quy mô tổ chức.

Đặt lợi ích sức khỏe cộng đồng vượt lên giá trị kinh tế

Khi xác định phải kiểm soát thuốc lá mới, các nhà quản lý cần xác định mục đích chính là để bảo vệ giới trẻ và sức khỏe cộng đồng vượt lên trên mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Nếu đã đặt mục tiêu con người trên lợi ích, cần sớm bàn hướng triển khai làm sao để hệ thống quản lý đạt mục tiêu này. Theo đó, nếu Luật hiện hành đã bao hàm thì tận dụng Luật và tăng mức độ xử phạt nhằm đảm bảo tính nghiêm minh.

Để ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá điếu cũng như mọi loại thuốc lá mới, đề nghị các cơ quan quản lý liên quan thực thi nghiêm luật PCTHTL, đặc biệt là hình thức xử phạt đối với cả người bán lẫn người mua thuốc lá dưới 18 tuổi theo quy định đã có trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, Điều 29 Nghị định số 117/2020 ngày 28/9/2020 đã quy định các vi phạm về PCTHTL, cụ thể nêu rõ hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.

Bên cạnh đó, ngăn chặn nhu cầu sử dụng từ giới trẻ bằng các biện pháp tuyên truyền, xử phạt để cảnh báo đến phụ huynh, nhà trường về tính nghiêm trọng của vấn đề. Chúng ta cũng cần nghĩ đến phương án giám sát bên cung cấp, nguồn cung sản phẩm một cách có trách nhiệm, áp đặt những nguyên tắc ngăn chặn đối với đối tượng không phải là người hút thuốc lá trưởng thành.

Còn đối với chủng loại TLĐT, nếu đã xác định sản phẩm không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ có tinh dầu và chưa có quy định để quản lý tinh dầu, thì cần sớm có quyết định rõ ràng: hoặc bổ sung vào hệ thống luật hiện hành, hoặc cấm hẳn để có thêm thời gian nghiên cứu trước khi ra chính sách. Nếu cấm thì phải quyết liệt, để tránh “cấm như không cấm”, khiến người dùng dễ dàng mua sản phẩm từ chợ đen.

Chúng ta cũng không thể lẫn lộn, chồng chéo giữa các chủng loại sản phẩm thuốc lá mới khác nhau mà trì hoãn quản lý nếu đã có giải pháp cho từng loại sản phẩm riêng biệt. Cần phân loại rõ ở góc độ kỹ thuật của từng loại sản phẩm cùng với hệ thống pháp lý liên quan.

Do đó, trong vai trò là cơ quan đại diện cho người dân, tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành liên quan sớm hành động để bảo vệ giới trẻ, người dùng và cộng đồng.

Chúng ta không nên mất thêm 5-10 năm nữa chỉ để bàn, bởi khi đó chúng ta sẽ không chỉ nghĩ làm sao quản lý các sản phẩm này mà còn phải tốn nhân lực, vật lực để xử lý hậu quả mà thị trường chợ đen để lại. Một “thế hệ nghiện mới” sẽ có nguy cơ xuất hiện nếu các cơ quan quản lý vẫn không hành động, mạnh dạn xây dựng hàng rào chính sách và pháp lý để bảo vệ cộng đồng, người dân.

TS Nguyễn Quỳnh Liên

Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đọc thêm