Ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường: Cần tạo 'sức đề kháng' cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 30/10, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã có những chia sẻ với báo chí về các giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, dư luận bức xúc về một số vụ bạo lực học đường. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, từ trước đến nay, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra, nhưng gần đây, mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại. “Bạo lực học đường hiện nay không chỉ là vấn đề “động chân, động tay” mà còn là xúc phạm nhân phẩm của nhau. Các học sinh, bạn bè xung quanh chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực. Đây là vấn đề rất đáng chú ý”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (QH) nói.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, chúng ta cần có thái độ cương quyết và rất kiên trì để loại bỏ tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường. Bởi chúng ta đang xây dựng xã hội hạnh phúc, xây dựng những con người biết yêu thương lẫn nhau, mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo lực đáng lo ngại như thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH cho rằng có nhiều nguyên nhân, một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, internet của học sinh dễ dàng hơn trước rất nhiều. “Điều quan trọng nhất là phải làm sao để xây dựng được “sức đề kháng” cho các em, ngoài việc định hướng các em tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực thì cần giúp các em tự nhận biết cái tốt, cái xấu, cái nào nên cổ vũ và cái nào không nên học theo”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Khẳng định tầm quan trọng của việc nêu gương của gia đình, người lớn, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, con trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách suy nghĩ, hành xử của người lớn. Do vậy, người lớn cần nhận thức được trách nhiệm với con trẻ, khi có mặt con trẻ phải kiềm chế, hành xử một cách mẫu mực để trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực. Về văn hóa học đường, nếu các môn học được thiết kế với nội hàm có tính giáo dục cao thì sẽ ảnh hưởng rất tích cực tới học sinh. “Tôi lấy ví dụ, có những phụ huynh cho biết khi ra đường nếu người lớn có ý định vượt đèn đỏ thì trẻ con nhắc ngay. Đó là dấu hiệu cho thấy giáo dục tác động rất tích cực lên học sinh, nên cần tăng cường việc này”, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Vẫn theo ông Nguyễn Đắc Vinh, ngoài yếu tố giáo dục, cần quản lý xã hội một cách nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để mọi người đều có ý thức tuân thủ pháp luật. “Có xây, có chống thì mới đầy đủ và giúp hành vi và nhận thức mọi người tốt hơn. Đối với con trẻ thì cần cố gắng giúp các em tiếp cận những điều tích cực nhiều hơn ngay từ khi còn trẻ. Tôi nhấn mạnh lại rằng phải “xây” cho các em “sức đề kháng” để tự phân biệt tốt - xấu và hướng theo cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH nói thêm.