Ngăn chặn vụ Việt kiều Mỹ lừa đảo cả nghìn tỷ chấn động Hải Phòng

(PLO) - Năm 2006, sau 6 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng lớn thứ hai trên thế giới, trở thành kênh đầu tư, huy động vốn hấp dẫn nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Lợi dụng cơn sốt chứng khoán, Lý Hữu Hoàng – Việt kiều Mỹ đã dự định thực hiện cú lừa đảo chiếm đoạt cả nghìn tỷ đồng nhưng đã bị Công an (CA) TP.Hải Phòng kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Thượng tá Lê Nguyên Trường
Thượng tá Lê Nguyên Trường
Cú lừa ngàn tỷ
Thượng tá Lê Nguyên Trường - Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) CA TP.Hải Phòng nhớ lại, những ngày trung tuần tháng 8/2006, thông qua hoạt động nghiệp vụ, CA TP.Hải Phòng nhận được thông tin một doanh nghiệp đang dự định mở “phiên chợ giới thiệu và bán cổ phiếu phổ thông” tại khu nghỉ dưỡng Đồ Sơn. 
Điều bất thường của “phiên chợ” khiến các trinh sát của Phòng PC46 để mắt là trong các giấy mời chỉ ghi vẻn vẹn loại cổ phiếu V5G - một loại cổ phiếu chưa từng xuất hiện trên thị trường, thuộc quyền sở hữu của Cty Cổ phần Việt Toàn Cầu Nam Định, trụ sở tại TP.Nam Định với tổng mức giá cổ phiếu chào bán lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Chưa hết, trong số “hồ sơ” mà nhóm đối tượng giới thiệu để chào bán cổ phiếu chỉ có bản cáo bạch – một loại văn bản của Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước yêu cầu khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra thị trường. Bản cáo bạch của nhóm lừa đảo chào bán cổ phiếu chỉ ghi chung chung như doanh nghiệp có ngành nghề khai thác các dịch vụ truyền thông, viễn thông nhưng thiếu hàng loạt các căn cứ pháp lý như chứng nhận chào bán chứng khoán của Chủ nhiệm UBCK Nhà nước, không có các tổ chức tín dụng bảo lãnh phát hành chứng khoán. 
Bản “cáo bạch” này thiếu hàng loạt các khuyến cáo rủi ro cho nhà đầu tư, các dự án sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu; cơ cấu, danh sách cổ đông nắm giữ từ trên 5% cổ phần tại doanh nghiệp, báo cáo tổ chức kinh doanh trong hai năm gần nhất của doanh nghiệp. Mặc dù chỉ có bản cáo bạch chưa đầy trang giấy nhưng số cổ phiếu được nhóm lừa đảo này dự định chào bán cho các nhà đầu tư trên địa bàn Hải Phòng lên đến gần nghìn tỷ đồng.
Để đưa các nạn nhân vào tròng cũng như “lòe” các cơ quan bảo vệ pháp luật, những đối tượng này còn cho in cả chức danh của một Phó Thủ tướng Chính phủ vào trong các giấy mời, chủ động phát giấy mời tới một số cơ quan chức năng trên địa bàn tới dự “phiên chợ giới thiệu và bán cổ phiếu phổ thông” được nhóm lừa đảo ấn định tổ chức vào ngày 1/9/2006 tại Khách sạn Pagodon - một biệt thự sang trọng tại khu nghỉ dưỡng Đồ Sơn.
Nhằm “chèo kéo” các nạn nhân vụ lừa đảo thế kỷ, những đối tượng này còn hợp đồng với một số cơ quan truyền thông nổi tiếng nhằm “quảng bá”, tuyên truyền về phiên chợ lừa đảo, mức giá cổ phiếu được nhóm lừa đảo chào bán chỉ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, một mức giá thấp hơn rất nhiều các loại cổ phiếu đang được niêm yết, giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán cũng như thị trường OTC tại thời điểm này. 
Hiệu ứng tuyên truyền đã làm cho không ít người dân tưởng có một phiên bán cổ phiếu “đại hạ giá” trên địa bàn. Một số nhà kinh tế, nhà đầu tư đôn đáo về Hải Phòng mong tìm được cơ may, có người tìm đến cơ quan công an để tham vấn có nên mua cổ phiếu giá rẻ, lần đầu được bán tại “chợ” trên địa bàn Hải Phòng không?!
Cuộc phá án thần tốc
Thượng tá Lê Nguyên Trường kể, sau khi sàng lọc thông tin, cơ quan công an đã xác định được Lý Hữu Hoàng (SN 1945, quốc tịch Hoa Kỳ) là kẻ đứng đầu vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin. Tuy nhiên, để có thể kết luận chính xác được hành vi lừa đảo của Hoàng cùng những đồng phạm đối với một loại tội phạm mới, lừa đảo bán cổ phần, loại tội phạm gần như lần đầu xuất hiện tại Việt Nam đòi hỏi lực lượng CA TP.Hải Phòng phải chạy đua với thời gian. 
Bởi lẽ kể từ khi tiếp nhận, xử lý thông tin về “phiên chợ giới thiệu và bán cổ phiếu phổ thông” đến ngày những đối tượng này dự kiến “mở chợ”, lừa đảo người dân chỉ diễn ra chưa đầy 10 ngày. Địa điểm hội chợ ở giữa khu nghỉ mát Đồ Sơn; thời điểm đối tượng chọn để mở hội chợ đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh - thời điểm mà các cơ quan nhà nước bận rộn chuẩn bị cho lễ hội. 
Những ngày này, rất nhiều Việt kiều và người nước ngoài là bạn bè của Lý Hữu Hoàng ở các nước về Đồ Sơn để dự “hội chợ”. Nhiều người được Hoàng chọn làm “chim mồi” để lôi kéo những người khác.
Các trinh sát của Phòng PC46 phải vào tỉnh Nam Định để xác minh thông tin của Cty Cổ phần Việt Toàn Cầu Nam Định, làm việc với UBCK Nhà nước để tìm hiểu các quy định về chào bán cổ phiếu phổ thông của Cty CP Việt Toàn Cầu Nam Định.
Kết quả xác minh, ông Trần Mạnh Lưu - Chủ tịch HĐQT Cty CP Việt Toàn cầu Nam Định xác nhận Cty này là doanh nghiệp do ông cùng con trai góp vốn thành lập, mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa được cấp mã số thuế, dấu doanh nghiệp ông Lưu vẫn giữ, mới đóng mẫu và giấy giới thiệu giao dịch. Ông Lưu cho biết thêm, theo quy định của Bộ Tài chính, Cty CP Việt Toàn Cầu Nam Định mới được thành lập, số vốn nhỏ, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu. 
Đại diện UBCK Nhà nước cho biết, UBCK Nhà nước không cấp phép cho Cty CP Việt Toàn cầu Nam Định được huy động vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông ra công chúng. UBCK Nhà nước cũng không xác nhận bản cáo bạch của doanh nghiệp này. Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng xác nhận không cấp mã V5G, mã định danh cổ phiếu cho công ty đại chúng nào là Cty CP Việt Toàn Cầu Nam Định. 
Từ những căn cứ này, việc xác định Lý Hữu Hoàng cùng nhóm đồng phạm có dấu hiệu thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân thông qua hành vi lừa bán cổ phiếu phổ thông được khẩn trương hoàn tất. 
Thượng tá Trường cho biết, nếu để Lý Hữu Hoàng cùng đồng bọn hoàn thành việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân rồi mới tiến hành xử lý thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Kế hoạch phá án được đặt ra, phải kịp thời ngăn chặn hành vi của Hoàng cùng nhóm đồng phạm trước khi những đối tượng này mở “phiên chợ” thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân, kiên quyết không để nhóm này mở “hội chợ” lừa đảo ngay trong ngày đại lễ của đất nước. 
Nhưng những khó khăn mới đặt ra cho Tổ chuyên án: Không tìm được con dấu giả mà nhóm Hoàng đã sử dụng, không thu được “cổ phiếu” chúng in. Chính vì vậy, chứng cứ để bắt giữ nhóm Hoàng rất yếu, VKSND TP.Hải Phòng không đủ cơ sở để phê chuẩn lệnh bắt, do đó đòi hỏi các trinh sát phải hết sức khôn khéo và linh hoạt...             
(Còn tiếp)

Đọc thêm