Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đứng đầu với chỉ số là 89,42; tiếp đó là Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải. Các bộ có chỉ số thấp nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ xếp thứ 17; Bộ Công thương xếp thứ 18 và Bộ Thông tin - Truyền thông xếp thứ 19.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 cho thấy tất 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt kết quả trên 80%, không có bộ, cơ quan ngang bộ nào giảm điểm so với năm 2014. Các bộ có giá trị tăng điểm cao là Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đà Nẵng xếp vị trí đầu tiên trong danh sách xếp hạng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với chỉ số 93,31. Sau đó là Hải Phòng, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế. 4 tỉnh có chỉ số thấp nhất là Quảng Ngãi xếp thứ 60; Kon Tum xếp thứ 61; Cao Bằng xếp thứ 62 và Điện Biên xếp thứ 63.
Không có tỉnh nào có Chỉ số Cải cách hành chính dưới 70%. Những tỉnh có Chỉ số cải cách hành chính từ 90% trở lên được xếp vào nhóm A; từ 80% đến dưới 90% được xếp vào nhóm B và từ 70% đến dưới 80% được xếp vào nhóm C.
Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, tương ứng với 7 chỉ số thành phần, 31 tiêu chí và 80 tiêu chí thành phần. Trong đó có 24 tiêu chí và tiêu chí thành phần được đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, tương ứng với 8 chỉ số thành phần, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Trong đó có 33 tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Đây là năm thứ 5 Bộ Nội vụ công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), nhằm theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất và khách quan, công bằng kết quả việc triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Thông qua đó xác định được mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.