Ngân hàng sốt ruột “thúc” giao dịch qua thẻ

(PLO) - Ngân hàng Nhà nước ban hành những quy định rất “mở” nhằm góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài sự bất tiện khi người dùng vẫn phải rút tiền mặt để tiêu thì an ninh mạng trong hệ thống ngân hàng vẫn là “lực cản” tâm lý khiến việc thanh toán qua thẻ chưa “phất”…
Người dùng ATM vẫn phải rút tiền mặt để tiêu
Người dùng ATM vẫn phải rút tiền mặt để tiêu
Chủ yếu ở thành phố lớn
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2014, cả nước có 37 ngân hàng thương mại lắp đặt được 149.000 điểm chấp nhận thẻ (POS), tăng khoảng 15% so với cuối năm 2013, đạt 75% kế hoạch năm 2014. 
Trong đó, 4 ngân hàng có số lượng POS lớn nhất – chiếm 80% tổng số POS trên thị trường - là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) có trên 49.600 máy, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có trên 49.400 máy, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có trên 10.600 máy và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có trên 9.100 máy. Các điểm chấp nhận thẻ POS tập trung tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với số lượng lần lượt là trên 19.200 máy và trên 28.000 máy, chiếm trên 30% tổng số POS trên toàn quốc.
Đến cuối tháng 6/2014, trên 14,6 triệu giao dịch đã được thực hiện qua POS, đạt 18% kế hoạch năm 2014 (trong đó giao dịch rút tiền mặt chiếm khoảng 3,8%). Tổng giá trị giao dịch đạt trên 75.700 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch rút tiền mặt chiếm 50%.
Tuy nhiên, chênh lệch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt giữa các vùng miền là rất lớn. Các tỉnh, thành phố, khu vực có số lượng giao dịch lớn là các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện kinh tế phát triển, nơi tập trung nhiều trung tâm mua sắm, khu du lịch, khu vui chơi giải trí. Dẫn đầu là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, tiếp đó là Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác. Trong khi đó, số lượng POS và giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS tại các tỉnh ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thấp.
“Tấn công” cả vào trường học, bệnh viện
Tại TP.Hồ Chí Minh - địa phương dẫn đầu trong việc triển khai phát triển thanh toán thẻ qua POS, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo một số đơn vị triển khai Đề án Thẻ học đường (SSC - School Smart Card) nhằm giúp học sinh thanh toán học phí mà không sử dụng tiền mặt. 
Theo đó, thẻ học đường SSC là thẻ dành cho học sinh, có tên và mã số học sinh. Phụ huynh sẽ đứng tên chủ tài khoản và mở thẻ phụ SSC cho con theo quy định của Ban Đề án SSC. Vào kỳ đóng học phí, trung tâm thông tin SSC sẽ thông báo đến phụ huynh số tiền học phí phải đóng. Phụ huynh sẽ chuyển khoản học phí của con vào thẻ SSC. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh dự định, sau trường học, các ngân hàng có thể “tấn công” vào các cơ sở y tế và thu trực tuyến đối với dịch vụ công đăng ký kinh doanh.
Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2014, cả nước có khoảng 200.000 POS được lắp đặt và số lượng giao dịch đạt khoảng 80 triệu giao dịch/năm. Vào cuối năm 2015, cả nước có khoảng 250.000 POS được lắp đặt và số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm.
Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc “nới” điều kiện đối với đối tượng mở thẻ để trẻ chưa thành niên có thể tự mở tài khoản và đơn giản hóa thủ tục hành chính, các ngân hàng tiếp tục phát triển mạng lưới POS và giao dịch thanh toán qua thẻ POS; tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các nhà cung cấp giải pháp, các NHTM, các tổ chức thẻ quốc tế và một số đối tác khác để phát triển mạnh thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS)…  Có thể nói, bên cạnh việc sử dụng thẻ để rút tiền tại các máy giao dịch tự động (ATM), chủ thẻ đã dần quen với việc dùng thẻ để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ tại những nơi có lắp đặt POS. 
Tuy nhiên, những hành vi lừa đảo qua thẻ ngân hàng đang xuất hiện ngày một tinh vi trong khi kiến thức bảo mật của đa số người dùng thẻ còn hạn chế, cộng với chênh lệch vùng miền trong hạ tầng thanh toán… là các lực cản đáng kể tác động vào việc thanh toán không dùng tiền mặt, nếu không sớm khắc phục, đó có thể là “dây trói” tác động không nhỏ vào chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt./.

Đọc thêm