Trả giá vì quyết định nông nổi
Cô bé Nguyễn Mỹ Anh (tên nhân vật đã thay đổi) quê ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm nay mới 16 tuổi nhưng đã bôn ba kiếm sống ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long gần một năm trời. Khuôn mặt và kiểu cách ăn mặc của Mỹ Anh khá “teen” và nhí nhảnh như những cô bé bắt đầu vào ngưỡng cửa trường THPT. Duy chỉ có cách nói chuyện, Mỹ Anh ra dáng táo bạo, liều lĩnh và có phần “chợ búa”.
Theo lời kể của Mỹ Anh, em vốn là học sinh giỏi, từng được chọn đi thi học sinh giỏi huyện năm lớp 10. Hôm đi thi học sinh giỏi, một thí sinh ở trường khác đã đâm vào xe em khiến cả hai ngã lăn ra đường. Mỹ Anh đau quá không dậy được, nhưng người đâm không đỡ em dậy mà định phóng xe đi. Mỹ Anh tức quá xông vào đánh nhau.
Sự việc đến tai nhà trường, em bị đình chỉ học. Nghỉ học, Mỹ Anh ra Hà Nội xin làm phụ quán cà phê ở gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Làm từ 8h đến 23h, lương của Mỹ Anh mới được chừng 2 triệu đồng/tháng. Em còn thường xuyên bị chủ kiếm cớ quở trách và trừ lương.
Bạn với Mỹ Anh là Nguyễn Thị Tuyết (tên nhân vật đã thay đổi), 17 tuổi, quê ở Sông Lô, Vĩnh Phúc. Tuyết sống trong gia đình không mấy hạnh phúc. Bố suốt ngày rượu chè, đánh đập mẹ Tuyết khiến mẹ bỏ đi làm ăn xa. Chán cảnh nhà, Tuyết bỏ học năm lớp 10, đến Khu công nghiệp Bắc Thăng Long kiếm sống. Không xin được làm công nhân trong khu công nghiệp vì chưa đủ 18 tuổi, không có bằng THPT nên Tuyết vào làm ở quán nhậu. Em làm từ 7h đến 22h30 mới được nghỉ nên thời gian để vui chơi giải trí hầu như không có. Xa nhà, một thân vất vả bôn ba nên cứ hết giờ làm về phòng trọ, Tuyết hay thu mình khóc vì tủi thân.
Thấy làm ở quán nhậu vất vả quá, Nguyễn Thị Tuyết xin phụ quán cà phê để được ăn mặc sạch sẽ hơn, lại tránh được lời chửi tục tĩu của mấy ông say rượu. Có ông khách ở quán cà phê ăn nói lịch sự, hay bo tiền khiến Tuyết mê tít. Biết được điểm yếu của Tuyết, ông khách từ từ “giăng câu” rồi biến Tuyết thành “bồ nhí” lúc nào không hay. Khi biết Tuyết có bầu, ông khách biệt tăm, bỏ lại Tuyết lúc nào cũng thường trực hai hàng nước mắt trong tủi hổ và hoang mang, không biết có nên giữ cái thai ba tuần tuổi. Nghĩ đến cảnh về quê bị mọi người nhiếc móc, săm soi, cuối cùng Tuyết bặm môi bước vào một phòng khám tư…
Mỹ Anh có vẻ may mắn hơn khi chưa bị “giăng bẫy” như Tuyết, nhưng em cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm buồn cho cuộc đời lang thang của mình. “Ngày xưa vì nông nổi nên em bỏ học, rời quê lên thành phố kiếm sống. Mới sau hơn một năm bôn ba ngoài đời, em thấy tiếc quá. Vì chưa tốt nghiệp THPT nên xin đi làm việc gì cũng khó, đành phải làm ở quán cà phê, quán karaoke, quán nhậu… để sống qua ngày. Nhưng sợ nhất là bị Sở Khanh dụ dỗ rồi thành bồ nhí, thành gái, sa chân vào vũng lầy lúc nào không hay. Giờ em ước ao học hết THPT để đi làm công nhân cho đỡ khổ”.
Nguyên nhân từ gia đình
Điều đáng nói là xuyên suốt những câu chuyện mà Mỹ Anh, Tuyết và những người đồng cảnh ngộ với các em kể, chưa một lần thấy các em nhắc đến việc cha mẹ đã khuyên bảo hay phản đối như thế nào trước quyết định bỏ học, ra đời kiếm sống của con cái mình. Người viết gặng hỏi thì được biết cha mẹ các em phần vì mải làm ăn, phần vì trục trặc trong hôn nhân… nên không quan tâm nhiều đến con cái.
Thậm chí khi Nguyễn Thị Tuyết bỏ nhà đi, gia đình cũng chẳng ai hay vì bố em suốt ngày rượu chè, còn mẹ bỏ đi làm ăn xa, đã từ lâu em không còn mái ấm gia đình theo đúng nghĩa.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Việt Nam hiện có khoảng 24.000 trẻ em lang thang kiếm sống. Đây chính là nhóm trẻ có nguy cơ bị ngược đãi, bị bạo lực, bị xâm hại và lạm dụng rất cao. Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, lang thang chỉ là điểm khởi đầu để trẻ kiếm sống, nhưng tiềm ẩn sau đó là những vấn đề xã hội, là nguy cơ xâm hại trực tiếp đến trẻ mà các gia đình, các ông bố, bà mẹ có con lang thang không thể lường hết.
Thứ nhất là nguy cơ trẻ em vi phạm pháp luật, bị tội phạm dụ dỗ, lôi kéo như vận chuyển ma túy, hàng cấm, trộm cắp… Thứ hai, trẻ em lang thang có nguy cơ rất cao bị lạm dụng, như lạm dụng tình dục, lạm dụng về thân thể, thậm chí có em bị bắt đi lao động nặng nhọc, độc hại và rất nguy hiểm. Còn nhiều nguy cơ khác nữa như bị nghiện ma túy, bị sa vào tệ nạn mại dâm…
Theo kinh nghiệm của bà Trần Bích Phương, giáo viên Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Quảng Bình, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng con đường mà con mình đi sau này, nhất là khi các em bắt đầu vào lớp 10. Thời gian này các em thường có suy nghĩ nông nổi và rất nhạy cảm, nếu phụ huynh không tâm sự và phân tích cho con những điều nên và không nên nếu bỏ học, để mặc con thích làm gì thì làm thì vô tình chính phụ huynh đã góp phần đẩy con cái vào vũng bùn tệ nạn.