Ngân hàng Thế giới: Cần xem xét chính sách tài khóa thích ứng hơn trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc một gói kích thích tài khóa mới, thích ứng hơn. Trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo WB, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng.
Theo WB, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng.

Ngày 17/5, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2021, trong đó, cảnh báo một số rủi ro đối với nền kinh tế nước ta do dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 tới nay.

Trong báo cáo, WB ghi nhận hầu hết các chỉ số kinh tế tháng 4 của Việt Nam đều ở mức tốt. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong tháng 4 với chỉ số tăng 1,1% so với tháng 3 và tăng tới 24,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 4 cũng ghi nhận doanh số bán lẻ tăng trở lại với mức tăng 2,3% so với tháng trước, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi phần nào từ sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba vào cuối tháng 1/2021. Tuy nhiên, giá trị doanh số chung vẫn thấp hơn so với tháng 1. 

Thương mại hàng hóa tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ nhu cầu cao từ Hoa Kỳ và các đối tác thương mại lớn khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc... Tuy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm nhẹ 3,4% (so với tháng trước) nhưng vẫn ở mức cao, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng 2,6% trong tháng 4 năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 26% và 31% (so với cùng kỳ năm trước).

Tốc độ tăng trưởng hai con số (so với cùng kỳ năm trước) được ghi nhận trên tất cả các mặt hàng xuất khẩu chính trong 4 tháng đầu năm 2021. Có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất là nhóm hàng máy móc, tiếp theo là máy tính và điện tử, điện thoại. Giày dép và hàng dệt may cũng phục hồi mạnh mẽ (lần lượt tăng 19% và 10% so với cùng kỳ năm trước). Các nhà xuất khẩu nước ngoài tiếp tục chứng tỏ năng động và có khả năng chống chịu tốt hơn doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm trong tháng 4, nhưng nhìn chung vẫn ổn định trong 4 tháng đầu năm. Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD vốn FDI vào tháng 4/2021, thấp hơn 53% so với tháng trước và thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này một phần phản ánh sự biến động hàng tháng trong giá trị đăng ký của một số dự án lớn riêng lẻ. Trong 4 tháng đầu năm, số vốn FDI gần như tương đương với cùng kỳ năm 2020.

Phân tích những diễn biến kinh tế gần đây của WB cho thấy, lạm phát tăng tốc trong tháng 4/2021 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ ba được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% (so với tháng trước), chủ yếu do giá hàng tiêu dùng tăng cao, bao gồm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, quần áo, đồ dùng và thiết bị gia dụng. Theo WB, điều này phản ánh sự phục hồi trong tiêu dùng của các hộ gia đình sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba ở trong nước.

Bên cạnh đó, tín dụng cho nền kinh tế tăng 2% (so với tháng trước), phản ánh nhu cầu tín dụng tăng do các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong đợt nghỉ lễ cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm cũng tăng từ 0,29% trong tháng 3 lên 0,48% trong tháng 4.

Tuy nhiên, WB cảnh báo, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư từ cuối tháng 4/2021, buộc chính phủ phải nhanh chóng ứng phó bằng việc đóng cửa trường học và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới. WB nhận định thực tế này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, vận tải và bán lẻ.

Do đó, WB khuyến nghị, nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Đọc thêm