Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có Giám đốc quốc gia mới

(PLVN) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ngày 1/7 cho hay, bà Carolyn (Carrie) Turk sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam kể từ ngày 1/7/2020. Bà sẽ làm việc tại văn phòng Hà Nội.
Bà Carolyn Turk.
Bà Carolyn Turk.

Bà Turk, quốc tịch Anh, đã tham gia công tác tại WB từ năm 1998. Kể từ đó, bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, trong đó có Chuyên gia cao cấp về giảm nghèo tại Việt Nam, Chuyên gia phát triển xã hội cao cấp và Chuyên gia phát triển xã hội trưởng tại Đông Âu và khu vực Trung Á, Giám đốc Văn phòng WB tại Rwanda. 

Vị trí gần nhất mà bà đảm nhiệm là Giám đốc quốc gia WB của nhóm các nước Ethiopia, Nam Sudan, Sudan và Eritrea.

Trước khi làm việc tại WB, bà Turk công tác tại Bộ Phát triển Quốc tế của Anh. Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ về Kinh tế của Đại học Cambridge và là tác giả của nhiều báo cáo về giảm nghèo và bất bình đẳng, trong đó có một cuốn sách dựa trên nghiên cứu về vấn đề bất bình đẳng giới tại 20 quốc gia.

Bà Turk sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nhằm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư của WB và các chương trình chia sẻ tri thức với Việt Nam, bao gồm trao đổi ở cấp địa phương, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tính đến ngày 30/6/2020, WB đã cung cấp cho Việt Nam hơn 24,86 tỉ USD bao gồm các khoản tài trợ không hoàn lại, tín dụng và vốn vay nhằm hỗ trợ các chương trình phát triển, với danh mục dự án đang thực hiện lên đến 38 dự án với tổng vốn cam kết 7,4 tỉ USD.

Trong vòng 6 tháng qua, WB đã cam kết thêm 516,67 triệu USD cho các dự án trong lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị, giáo dục đại học, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. 

Các chương trình nghiên cứu và tư vấn của WB tại Việt Nam đã cung cấp nguồn tri thức và tư vấn mang tính chiến lược, đột phá và kịp thời hỗ trợ nghị trình phát triển của đất nước, đơn cử như chuyên đề khuyến nghị chính sách đối phó với Covid-19 gần đây và đóng góp ý kiến cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm trong giai đoạn tới.

Đọc thêm