Ngân hàng thoát nợ xấu nếu được “rung chuông” kịp thời

Các ngân hàng có thể tránh được nợ xấu; người dân, DN có thể biết được mảnh đất hay chiếc ô tô đó đã được thế chấp ở nhiều nơi…nếu được hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) “rung chuông” kịp thời. 

Các ngân hàng có thể tránh được nợ xấu; người dân, DN có thể biết được mảnh đất hay chiếc ô tô đó đã được thế chấp ở nhiều nơi…nếu được hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) “rung chuông” kịp thời.

Ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho rằng: “Đối với nền kinh tế thị trường, đăng ký giao dịch bảo đảm có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự vận hành lành mạnh của hạ tầng tài chính. Vấn đề là nhận thức của người dân cũng như của các cơ quan nhà nước về lĩnh vực này còn rất mức độ”. 
Thông tin sẽ trở thành tài sản
So với các nước trong khu vực, hệ thống ĐKGDBĐ của Việt Nam đang đứng ở vị trí nào, thưa ông?
- Hệ thống ĐKGDBĐ của Việt Nam được đánh giá là hệ thống tiến bộ của khu vực do chúng ta đã áp dụng cả 2 loại hình đăng ký là bất động sản và động sản. Nhiều nước hiện chỉ mới có đăng ký GDBĐ về bất động sản chứ chưa có đăng ký về động sản. Hệ thống đăng ký bất động sản là đăng ký xác minh, đăng ký động sản là đăng ký thông báo.
Chẳng hạn, một người đã thế chấp nhà, ô tô để vay ngân hàng thứ nhất một khoản tiền rồi, thì khi người đó đến ngân hàng thứ 2 để vay tiếp, hệ thống sẽ thông báo cho ngân hàng thứ 2 biết tài sản thế chấp có còn đủ để cho vay tiếp không và nếu xảy ra tranh chấp phải ra Tòa thì ngân hàng nào đăng ký trước sẽ được ưu tiên xử lý nợ trước. Trong trường hợp này, thông tin sẽ trở thành tài sản. 
Bên cạnh việc áp dụng cả 2 loại hình đăng ký, Việt Nam cũng đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công tác đăng ký GDBD.  Ngày 19/3/2012, hệ thống đăng ký trực tuyến GDBD chính thức đi vào hoạt động. Ưu điểm của đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến là tạo ra sự dễ dàng cho hoạt động đăng ký, khách hành có thể tiến hành thủ tục ĐKGDBĐ ở bất kỳ nơi nào và không phải chờ đợi, đồng thời cũng tránh được sự tiếp xúc  giữa người đăng ký với đăng ký viên.
Với hệ thống ĐKGDBĐ trực tuyến, mọi thông tin được cập nhật vào Hệ thống hoàn toàn do khách hàng cung cấp. Đăng ký viên chỉ làm công tác hậu kiểm để đảm bảo các thông tin của khách hàng đúng theo qui định pháp luật. Hệ thống sẽ tự động thông báo việc thông tin của khách hàng được cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Nếu khách hàng cần có thể trực tiếp truy cập vào cơ sở dữ liệu để kiểm tra tính chính xác của các thông tin liên quan. Đây cũng là một trong những hệ thống tiên tiến về đăng ký GDBĐ của khu vực. 
Bên cạnh những ưu việt này, hệ thống ĐKGDBD của Việt Nam hiện có hạn chế gì cần khắc phục không, thưa ông? 
- Đối với hệ thống ĐKGDBĐ của Việt Nam, hiện còn mấy điểm yếu phải kể đến. Thứ nhất là còn phân tán về mặt tác nghiệp. Chẳng hạn muốn đăng ký GDBĐ quyền sử dụng đất người dân phải đến Bộ TN&MT; đăng ký nhà ở thì qua Bộ TN&MT rồi đến Bộ Xây dựng; đăng ký tàu bay thì đến Cục Hàng không dân dụng, tàu biển thì đến các Chi cục Hàng hải…
Đối với các động sản khác lại thuộc Bộ Tư pháp với 3 trung tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Một điểm yếu nữa là pháp luật về ĐKGDBĐ còn tản mạn, chưa đồng nhất về quy trình. Bên cạnh đó, thông tin về ĐKGDBĐ còn chưa tập trung nên việc khai thác thông tin trên mạng Internet còn khó và chưa đầy đủ. Những hạn chế này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện thể chế về ĐKGDBĐ. 
Để khắc phục những điểm yếu này,  trong năm 2012, Cục có đề ra giải pháp cụ thể nào không, thưa ông?  
- Trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2012, trước hết, chúng tôi tập trung ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế. Cục đang tập trung nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng dự án Luật ĐKGDBĐ và Luật Đăng ký bất động sản, đồng thời nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng việc sửa đổi các quy định về biện pháp bảo đảm trong Bộ luật Dân sự 2005 và việc tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003. Đến thời điểm này, hệ thống các Nghị định, Thông tư liên quan đến công tác ĐKGDBĐ đã cơ bản được ban hành nhằm đơn giản hóa đến mức tối thiểu các thủ tục ĐKGDBĐ. 
Trong năm nay, chúng tôi cũng sẽ tập trung xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về GDBĐ nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho hoạt động cho vay có đảm bảo; xây dựng Đề án tổ chức quản lý, vận hành Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm; Đề án thí điểm đăng ký tập trung các GDBĐ….
Cải thiện nhận thức về đăng ký giao dịch bảo đảm 
Ông có thể cho biết rõ hơn về tầm quan trọng của Đề án tổ chức quản lý, vận hành Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm và Đề án thí điểm đăng ký tập trung các GDBĐ? 
- Đăng ký tập trung các GDBĐ là để khắc phục sự phân tán đang tồn tại hiện nay trong công tác này. Việc đăng ký tập trung sẽ được thực hiện cả về công nghệ, quy trình và thủ tục. Hàng ngày, dữ liệu từ các văn phòng ĐKGDBĐ sẽ được tập trung về một đầu mối thống nhất là Sở TN&MT và Sở Tư pháp. Dữ liệu này sẽ được chia sẻ và tiến tới nối mạng với 63 tỉnh, thành trên cả nước, tạo thành Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm. Với Hệ thống dữ liệu quốc gia về GDBĐ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý được dữ liệu toàn quốc về ĐKGDBĐ và khi cần khai thác thì chỉ cần bấm máy là có thể có toàn bộ thông tin về tài sản đã được đăng ký. 
Như vậy, Hệ thống dữ liệu về GDBĐ sẽ giúp minh bạch hóa thông tin về tài sản, mà điều này thì rất có lợi cho nền kinh tế. Thứ nhất là có lợi về mặt tín dụng, Ngân hàng không rơi vào tình trạng nợ xấu cho vay không đòi được do ngay từ khi thẩm định hồ sơ vay vốn, ngân hàng đã có đủ thống tin về tài sản thế chấp của khách hàng, xem tài sản đó đã được thế chấp ở đâu chưa, có đủ để cho vay tiếp không.  
Cái lợi thứ 2 là giúp người đi vay tính toán được khả năng trả nợ.  Về mặt lâu dài thì hệ thống dữ liệu này rất có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham nhũng đối với tài sản, đặc biệt là đối với bất động sản. Bởi vì khi đã công khai thông tin rồi thì anh khó có thể giấu được tài sản. Các nước tiên tiến họ ứng dụng rất hiệu quả hệ thống dữ liệu này. 
Nhưng có được Hệ thống dữ liệu quốc gia về GDBĐ rồi thì cái lớn hơn cần hướng tới là phải kết nối được hệ thống dữ liệu này với dữ liệu về vốn của Ngân hàng Nhà nước. Kinh nghiệm một số nước, trong đó có Trung Quốc, hệ thống dữ liệu quốc gia về GDBĐ được kết nối với hệ thống dữ liệu về vốn vay của các DN tại các Ngân hàng thương mại. Khi phát hiện nguồn vốn vay ở mức không bình thường, hệ thống dữ liệu về ĐKGDBĐ sẽ kịp thời thông tin, “rung chuông” báo động cho các ngân hàng thương mại biết để xử lý kịp thời, tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi. 
Tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại của Việt Nam đang ở mức rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro gắn với thị trường bất động sản, có là quá muộn khi bàn tới việc “rung chuông” cho các tổ chức tín dụng vào thời điểm này, thưa ông? 
- Đối với Việt Nam thì đăng ký GDBĐ cũng còn là mới nên ý thức của người dân, thậm chí của các cơ quan, tổ chức đối với lĩnh vực này còn rất hạn chế. Ngay ở Hà Nội mà có nơi tồn đọng cả nghìn sổ đỏ do người dân không đến nhận, điều đó có nghĩa là nếu cần giao dịch thì người ta giao dịch “chui”, giao dịch với giá cả không đúng như trên thực tế để trốn thuế v.v…
Tại không ít ngân hàng có tình trạng cán bộ biết tài sản đi vay của cá nhân, DN đã được thế chấp ở nhiều nơi nhưng vẫn thẩm định để cho vay, dẫn tới nợ xấu. Ngay tại các Sở Tư pháp, các Văn phòng đăng ký nhà đất, nhân sự cũng như cơ sở vật chất dành cho công tác này cũng gần như chưa được quan tâm. Tuy nhiên, việc minh bạch hóa thông tin, lành mạnh hóa thị trường tài chính, giúp hệ thống tín dụng có thể kiểm soát được nguồn vốn cho vay luôn là nhiệm vụ và là mục tiêu lâu dài mà hệ thống ĐKGDBĐ hướng tới. Do đó, việc “rung chuông” cho các tổ chức tín dụng không bao giờ là quá muộn. 
Xin trân trọng cảm ơn ông! 
Hồng Thúy (thực hiện) 

Đọc thêm