Hiểm họa từ tài xế “phê” ma tuý
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 5.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 2.600 người, bị thương gần 3.800 người. Có khoảng 4% nguyên nhân xảy ra TNGT do tài xế sử dụng rượu bia, 0,07% do sử dụng ma túy.
Tại một số địa phương, qua kiểm tra và xử lý nhiều vụ TNGT, lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện nhiều lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy dẫn đến tai nạn bất thường, như lái xe lao thẳng vào nhà dân, vượt dải phân cách lao xuống ruộng... Nhiều vụ khác dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người thiệt mạng như tại Long An, Hải Dương.
Theo một số lái xe công-ten-nơ chạy đường dài tại Hải Phòng, họ phải sử dụng ma túy để tránh buồn ngủ trong quá trình vận hành xe liên tục cả ngày lẫn đêm, chủ yếu là ban đêm nhằm nhận và trả hàng đúng tiến độ, tăng chuyến, thêm thu nhập. Thường mỗi chuyến xe chở hàng dù không chịu áp lực tăng ca, tăng chuyến cũng phải vận hành xe ít nhất hai đêm, một ngày. Trên xe thường chỉ có một lái, một phụ nên lái xe ít khả năng thức trắng vài ba đêm liền nếu không dùng heroin.
Ðể giữ sự tỉnh táo trong suốt chuyến đi, cứ vài giờ các tài xế lại dùng một liều nhỏ. Trường hợp dùng nhiều hoặc không dùng đều bị “đói hoặc phê thuốc” gây buồn ngủ, vận hành xe sẽ rất nguy hiểm. Trong trường hợp dùng heroin liên tục dài ngày vẫn có thể tỉnh táo để lái xe, nhưng các giác quan bị hạn chế, phản ứng không được linh hoạt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc do xe công-ten-nơ gây ra.
Vì sao khó xử lý?
Trước tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích có chiều hướng ngày càng tăng, lực lượng chức năng nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý lái xe sử dụng ma túy, nồng độ cồn. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn.
Điển hình là việc khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều tài xế tìm mọi cách trốn tránh, tỏ thái độ thiếu hợp tác như không cho lấy nước tiểu xét nghiệm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, chủ xe vì chạy theo lợi nhuận còn thiếu trách nhiệm trong quản lý tài xế, giao xe cho người có sử dụng ma túy. Ðể né tránh việc kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, khi cấp, đổi giấy phép lái xe định kỳ, các lái xe hoặc các chủ xe thường chọn biện pháp “mua” giấy khám sức khỏe hoặc sử dụng giấy phép giả để lưu thông.
Theo Thượng tá Lê Huy Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân, việc kiểm soát lái xe nghiện ma túy hiện chưa làm từ gốc mà chỉ làm phần ngọn. Để kiểm soát lái xe nghiện ma túy phải kiểm soát ngay từ đầu vào, từ khâu dạy lái xe, như điều kiện được học lái xe phải có giấy xác nhận không nghiện ma túy của chính quyền địa phương vì địa phương là nơi trực tiếp theo dõi, nắm được ai là người nghiện ma túy và đưa vào danh sách quản lý toàn quốc. Đây là căn cứ để những cơ sở đào tạo lái xe loại bỏ người nghiện ma túy.
Còn theo ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc loại bỏ lái xe nghiện ma túy từ khâu đào tạo rất khó thực hiện. Bởi khi nhập học, học viên phải nộp giấy khám sức khỏe đủ điều kiện cho cơ sở đào tạo lái xe. Tuy nhiên, khó có thể phát hiện người nào sử dụng ma túy nếu chỉ căn cứ vào giấy khám sức khỏe, cơ sở đào tạo không có chức năng kiểm tra học viên có nghiện ma túy hay không.
Để khắc phục tình trạng này, ông Thống cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe. Nếu trung tâm đào tạo nghi ngờ giấy khám sức khỏe giả có thể tra cứu trên dữ liệu này. Khi học xong ra hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, lái xe đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Doanh nghiệp sử dụng lao động, ngay từ khâu đầu vào phải có xét nghiệm, khám sức khỏe để kiên quyết không nhận những người dương tính với chất ma túy. Bên cạnh đó, trong quá trình hành nghề, định kỳ cần được xét nghiệm để kịp thời phát hiện và loại bỏ những lái xe có sử dụng ma túy.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa thể hiện được sự răn đe, phòng ngừa. Theo Nghị định 100/2019/NĐ/CP của Chính phủ, tài xế sử dụng chất kích thích chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Một số đơn vị đã có đề xuất gửi tới các bộ, ngành liên quan cần phải tước giấy phép vĩnh viễn đối với những trường hợp đã trở thành đối tượng nghiện. Ngoài việc xử lý hành chính, cần xem xét xử lý hình sự lái xe nghiện ma túy và xử lý trách nhiệm của cả doanh nghiệp sử dụng tài xế đó.