Ngang qua Bình yên ở Bình Liêu

(PLVN) - Nếu cần đi tìm cho mình một chốn bình yên, bạn có thể đến với Bình Liêu mùa này - dù cho hoa lau chưa nở, lúa chưa vàng, hoa sở cũng phải đợi tháng 12… Nhưng nơi đây vẫn đẹp, vẫn mỡ màng xanh của lúa đang thì con gái, của lá rừng, của những chùm quả Sở lúc lỉu trên cành…
Miên man thửa hoa tím ngắt dưới triền núi thôn Cao Sơn (Hoành Mô - Bình Liêu). (Ảnh: PV)
Miên man thửa hoa tím ngắt dưới triền núi thôn Cao Sơn (Hoành Mô - Bình Liêu). (Ảnh: PV)

Biên ải hùng vĩ, xanh miên man

Khi chúng tôi đặt chân đến Bình Liêu là lúc chiều tà, mặt trời đang trải những tia nắng cuối ngày vàng rực rỡ từ trên đỉnh núi xuống khắp không gian. Màu xanh của cây cối núi rừng được trải thêm một lớp màu huy hoàng của nắng chiều, khiến Bình Liêu như bức tranh kỳ vĩ, cầm lòng chẳng đặng mà thốt lên rằng “Tổ quốc ta có bao giờ đẹp thế này chăng!”…

Bình Liêu bình an trong lớp màu huy hoàng của nắng chiều

Bình Liêu bình an trong lớp màu huy hoàng của nắng chiều

Là một huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270km, nằm ở độ cao trên 700m so với mực nước biển. Dường như để bù đắp cho sự xa xôi về địa lý, nên thiên nhiên đã ưu ái tặng cho Bình Liêu khí hậu tuyệt vời và những loại cây đặc biệt, chất chứa hồn cốt của vùng đất phên dậu Tổ quốc. Những loại cây chỉ dựa vào thổ nhưỡng, khí hậu mà tận hiến những mùa hoa đẹp khiến du khách nô nức về với Bình Liêu.

Ấy là loại cỏ lau mềm mại mà bền bỉ cứ vào độ tháng 10 lại bung nở phủ trắng những triền núi, triền đồi, những thung lũng bao la, những rẻo đường mềm mại của Bình Liêu... Hình ảnh đẹp nhất của Bình Liêu khi mùa cỏ lau về là con đường đến với cột mốc 1305, kế đến là các cột mốc 1302, 1327, 1300. Con đường được mệnh danh là “sống lưng khủng long” này nằm giữa đồi cỏ lau mênh mang, tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, liêu trai giữa bức tranh rừng núi hoang sơ. Đi trên con đường này bạn sẽ được phóng tầm mắt đến toàn cảnh thiên nhiên tuyệt vời bên dưới, cảm giác nhận sự tự do, phóng khoáng, thu vào tầm mắt tuyệt tác thiên nhiên của núi non hùng vĩ.

Nhiều cảnh đẹp ở Bình Liêu khiến du khách quên hết mệt mỏi

Nhiều cảnh đẹp ở Bình Liêu khiến du khách quên hết mệt mỏi

Khi hoa lau vừa kịp se sắt giảm độ mơn mởn bởi gió mùa Đông Bắc, Bình Liêu lại được tô điểm bởi sắc trắng tinh khiết, kiêu sa, khiến du khách như được đắm mình trong chốn tiên cảnh của hoa sở. Sở là một loại cây rất đặc biệt ở Bình Liêu. Sở xuất hiện trên những sườn đồi, dọc các con đường vào huyện, đường dẫn vào các thôn, bản. Mùa hoa sở, Bình Liêu như được tạo thành bởi những bức tường hoa sở trắng muốt, nối dài trên các nẻo đường. Những bông hoa sở không rực rỡ, lộng lẫy mà đẹp giản dị đến nao lòng. Có lẽ bởi sự đặc biệt ấy mà Bình Liêu đã ưu ái mở riêng một lễ hội dành tặng cho loại hoa này. Lễ hội được tổ chức độ giữa tháng 12, khi hoa sở nở rộ nhất…

Mùa này đến Bình Liêu, tuy không được tận hưởng, đắm chìm trong vẻ đẹp lộng lẫy của ngàn hoa, nhưng du khách lại được ngắm những chùm quả sở lúc lỉu ven đường. Trái sở trĩu cành khiến du khách như được đắm mình trong sự no đủ, bình an.

Sở không phải một loại cây ăn trái, nhưng hạt sở lại có giá trị lớn với hàm lượng Omega 3, 6, 9 cao tương đương với trái oliu.

Sở không phải một loại cây ăn trái, nhưng hạt sở lại có giá trị lớn với hàm lượng Omega 3, 6, 9 cao tương đương với trái oliu.

Sở không phải một loại cây ăn trái, nhưng hạt sở lại có giá trị lớn với hàm lượng Omega 3, 6, 9 cao tương đương với trái oliu. Bởi thế, người dân Bình Liêu đang sử dụng hạt sở để ép ra loại dầu có hàm lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, chống ung thư, giảm béo và tăng sức đề kháng cho cơ thể con người. Ngoài ra, dầu sở còn làm nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp như làm dầu máy, dầu nhờn, dầu chống gỉ, dầu in và dầu dùng trong y dược. Các bộ phận khác của cây sở cũng có nhiều công dụng như rễ cây được dùng trị viêm hầu cấp, đau dạ dày, bong gân. Rễ và vỏ dùng trị gãy xương chân, sái trẹo chân, vỏ sở phơi khô được tận dụng làm chất đốt, than hoạt tính, bã thừa sau khi ép lấy dầu thô có tác dụng làm sạch đầm tôm, dùng sản xuất thuốc trừ sâu, làm phân bón.

Bình yên đến nao lòng

Tha thẩn trong một buổi chiều tà ở Bình Liêu, bạn sẽ gặp đây đó những đôi vợ chồng người Sán Chỉ, người Dao đèo nhau trên xe máy, vun vút trở về nhà sau một ngày làm việc. Đây đó bên những tảng đá ở lề đường, những người đàn ông ngồi chuyện phiếm, những người phụ nữ Dao Thanh Phán với chiếc mũ sặc sỡ trên đầu thong thả ngồi thêu.

Buổi chiều bình yên ở Bình Liêu

Buổi chiều bình yên ở Bình Liêu

Một người phụ nữ Dao Thanh Phán ngượng ngùng không nhận tờ báo Pháp luật Việt Nam chúng tôi tặng, dù đã biết số báo này có nhiều bài viết đặc biệt dành tặng người dân tỉnh Quảng Ninh. Nhưng rồi, như thể nhớ ra, bà vui mừng giữ lại để dành “Tối về cháu tôi đọc cho cả nhà nghe”. Không rành rõ tiếng Kinh, nhưng bà cũng đủ để khoe với chúng tôi ngôi nhà 2 tầng gia đình bà mới xây xong. Ngôi nhà đó là tiền vợ chồng bà dành được từ những cánh rừng hồi, rừng quế. Bà cũng bày tỏ niềm vui khi Chính phủ, chính quyền các cấp đã đưa những con đường bê tông tới tận cổng nhà bà, để giao thông của người Bình Liêu được thuận tiện hơn.

Người phụ nữ Dao Thanh Phán nói sẽ mang báo về để cháu đọc cho nghe.

Người phụ nữ Dao Thanh Phán nói sẽ mang báo về để cháu đọc cho nghe.

Niềm vui này của người phụ nữ Dao Thanh Phán chúng tôi cũng gặp lại trong sân trường mầm non của điểm trường thôn Loòng Vài (Hoành Mô - Bình Liêu). Vừa dọn dẹp phòng học, vừa chờ phụ huynh đến đón con, cô giáo Vy Thị Hòa hồ hởi đón khách mắt lấp lánh vui khi chúng tôi hỏi về chuyện học sinh, chuyện trường lớp. Điều khá đặc biệt là không giống những gì vốn được mặc định với giáo viên vùng cao, cô chia sẻ công việc của cô ở đây rất thuận lợi, phụ huynh tin tưởng nhà trường lắm, các cháu nhỏ cả khi chưa đủ tuổi cũng mong muốn được gửi tới trường. Thậm chí, cả khi nghỉ hè, có học sinh còn muốn được theo về ở với cô vài ngày. “Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến cô trò chúng tôi, học sinh yêu cô, hạnh phúc lắm”, cô cười nói. Khó khăn bỏ lại sau nụ cười của cô giáo trẻ, nụ cười như thanh lọc những nhọc nhằn bon chen của cuộc sống phố thị mà chúng tôi lỡ mang theo.

Cô giáo Vy Thị Hòa và các cháu nhở ở điểm trường thôn Loòng Vài

Cô giáo Vy Thị Hòa và các cháu nhở ở điểm trường thôn Loòng Vài

Men theo con đường quanh co của Bình Liêu, chúng tôi dừng chân ở Hợp tác xã Hoa Bình Liêu ở thôn Cao Sơn - xã Hoành Mô. Thực chất, đây là một homestay nho nhỏ với 6 bungalo và một vài phòng nghỉ xinh xinh. Homestay này có một khoảng view hoàng hôn và triền đồi phủ tràn hoa sim tím ngăn ngắt khiến lữ khách mê mải.

Bữa chiều muộn ở Cao Sơn quán, anh chủ quán 35 tuổi, thoăn thoắt nấu món ăn cho khách. Chậm trễ một chút, ấy nhưng dường như món ăn ở nơi này lại có thêm gia vị - gia vị của sự bình yên. Anh chủ quán chia sẻ, anh mở Cao Sơn quán ba năm nay. Một mình anh vừa là chủ, vừa là nhân viên. Chỉ những ngày đông khách lắm anh mới nhờ thêm người hỗ trợ. Món ăn ở quán cũng chỉ là những món mà người Bình Liêu vẫn ăn. Rau rừng, gà bản, cá suối và đặc biệt là món khâu nhục - món đặc trưng của bà con vùng biên. Anh chủ quán này là người dân tộc Sán Chỉ. Trên tay anh thanh niên mới 35 tuổi còn dấu vết của một tuổi trẻ nông nổi, nhưng dường như Bình Liêu bình yên đã khiến anh bình tâm tìm một hướng đi vững chãi cho mình.

Cũng ở Cao Sơn quán, chúng tôi gặp một đôi vợ chồng trẻ và em bé chừng 3 tuổi. Họ là khách đến với Bình Liêu. Người chồng chia sẻ: Chúng tôi ở Hòn Gai, không xa đây lắm. Nhưng tôi thích đến Bình Liêu vì sự bình yên ở đây. Ngày mai, tôi sẽ đi thác Khe Vằn, cầu treo Nà Làng, cửa khẩu Hoành Mô, bản Sông Moóc, cuối tuần sẽ tham gia chợ phiên của người dân, mua các sản vật địa phương về làm quà…

Con đường chênh vênh trên sườn núi tới tận thôn bản. (Ảnh: PV)

Con đường chênh vênh trên sườn núi tới tận thôn bản. (Ảnh: PV)

Đêm buông xuống Bình Liêu, tiếng côn trùng, tiếng róc rách của suối, mùi lá cây ngai ngái, mùi sương đêm thanh khiết, khí trời se sẽ lạnh… Một bầu không gian mà ắt hẳn nhiều người mong muốn trả một giá đắt để có được trong lúc mệt mỏi, hay lúc khắc khoải nhớ về ký ức tuổi thơ của mình. Một bầu không gian mà nhiều người trẻ muốn một lần được tận hưởng để làm giàu thêm cho những trải nghiệm.

Bình minh ở Bình Liêu đến khá muộn. Phải đến gần 7h mặt trời mới nhô lên khỏi đỉnh núi, những đám mây trắng xà xuống êm đềm, bồng bênh đây đó trên thung. Anh cán bộ tuyên giáo huyện Bình Liêu tiết lộ với chúng tôi, sắp tới, Bình Liêu sẽ tiếp tục đầu tư những điểm dừng dân chân, ngắm cảnh, để tuyến đường ven chốn biên ải, chạy tới “sống lưng khủng long” sẽ là tuyến đường “săn mây” đẹp nhất khu vực phía Bắc.

Bình Liêu sẽ tiếp tục đầu tư những điểm dừng dân chân, ngắm cảnh, để tuyến đường ven chốn biên ải, là cung đường “săn mây” đẹp nhất khu vực phía Bắc.

Bình Liêu sẽ tiếp tục đầu tư những điểm dừng dân chân, ngắm cảnh, để tuyến đường ven chốn biên ải, là cung đường “săn mây” đẹp nhất khu vực phía Bắc.

Chưa cần đến màu trắng tinh khiết của hoa sở, chưa cần đến cảm giác như được ôm ấp, vỗ về bởi triệu triệu cành lau mềm mại, đến Bình Liêu mùa này đi, chắc chắn, bạn sẽ nhận được một phương thuốc diệu kỳ chữa lành cho hết thảy những bộn bề phiền muội, lo toan.

Đọc thêm