Chưa tới 10% tỉ lệ nội địa hóa
Sáng nay, (ngày 22/10) Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô”.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách, CIEM cho biết, ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô được lựa chọn để ưu tiên phát triển. Đây là 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực.
Theo số liệu từ Cục công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong vài năm lại đây. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ô tô. Trong đó, có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô…
Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các DN phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỉ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.
Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%.
Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, bất lợi của các DN sản xuất linh phụ kiện ô tô tại Việt Nam là quy mô, sản lượng nhỏ và nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước không đáp ứng được. Thực tế này ảnh hưởng đến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam. Các linh kiện như nhựa và thép bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố sản lượng. Chi phí sản xuất các chi tiết này ở Việt Nam cao hơn gấp 2-3 lần các nước trong khu vực.
Theo Nguyễn Trung Hiếu- Trưởng Ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), để DN ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng.
Cứ nhìn ngành công nghiệp xe máy sẽ thấy. Hiện tỷ lệ nội địa hóa với các mẫu xe máy tại Việt Nam đều đạt từ 70-90%, nhập khẩu linh kiện rất ít. Đó là do thị trường xe máy có quy mô lớn với hơn 3 triệu chiếc/năm. Với quy mô này, các DN xe máy và linh kiện có lợi thế để đẩy mạnh sản xuất tại chỗ, gia tăng nội địa hóa, tạo nên ngành công nghiệp phát triển.
Với ngành công nghiệp ô tô thì không được như vậy. Hiện tại, sản lượng ô tô từ 9 chỗ trở xuống lắp ráp trong nước, mới chỉ đạt con số 250.000 xe/năm. Con số này lại chia cho hàng chục mẫu xe khác nhau. Vì vậy, hầu hết các mẫu xe đều có sản lượng thấp. Mẫu xe có sản lượng cao nhất chỉ đạt 27.000 chiếc/năm. Trong khi đó, theo tính toán, để sản xuất hiệu quả, mỗi mẫu xe phải đạt quy mô 50.000 chiếc/năm. Với sản lượng như hiện nay, sẽ phải mất nhiều năm nữa, ngành công nghiệp ô tô mới có thể khắc phục hết bất lợi để chuyển hóa thành lợi thế.
Đợi “chính sách” để phát triển
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Trưởng Ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, áp lực cạnh tranh sản xuất, tiêu thụ xe ô tô của Việt Nam với các nước trong khu vực là rất lớn và trực tiếp. Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng, ngang ngửa với Thái Lan, nhưng Việt Nam lại có quá nhiều bất lợi trong sản xuất xe ô tô, khiến giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu khá nhiều.
Đại diện VAMA dẫn chứng, một nắp bình xăng do nhà sản xuất trong nước chào hàng có giá 3,8 USD, trong khi chi tiết này nhập khẩu chỉ có giá 1,5 USD. Hay Việt Nam thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu sản xuất thép, nhựa cao cấp phục vụ cho công nghiệp ô tô, buộc phải nhập khẩu với chi phí logistic rất cao.
“Xe nhập từ Thái Lan cộng thêm 5% chi phí vận chuyển về Việt Nam vẫn rẻ hơn xe sản xuất trong nước 10-20%, đó là chúng tôi còn đánh giá chất lượng sản phẩm tương đương. Công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đi sau Thái Lan, Indonesia khoảng 20 năm. Muốn bắt kịp họ, cần có chính sách đặc sắc” - ông Nguyễn Trung Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, đối với công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cần có hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay và quỹ phát triển. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về thuế như thuế VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng điều chỉnh phương thức khấu trừ thuế VAT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất...
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời gian tới phải tập trung nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích tập đoàn, ưu đãi kèm chuyển giao công nghệ. Chính sách thuế liên quan khuyến khích dòng xe thân thiện môi trường như dung tích nhỏ. Bên cạnh đó, cần sửa thuế thu nhập đặc biệt, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà không nhập khẩu nước ngoài...
TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì cần những ưu đãi tín dụng như: Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên cho doanh nghiệp chế tạo/công nghiệp hỗ trợ. Hay có chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ, công ty đầu chuỗi, ngân hàng, doanh nghiệp.