Ngành Dệt may làm gì khi 1 vạn lao động bị “bó gối”?

(PLVN) - Tính đến ngày 10/7, đã có trên 10.000 lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) không thể đến nhà máy. Con số này đáng quan ngại vì chiếm tới 10% lực lượng lao động của toàn Tập đoàn và trên 20% lực lượng lao động ở phía Nam - khu vực có đóng góp trên 60% thu nhập của Tập đoàn này.
Dệt may Việt Nam lo không trả được đơn hàng cho đối tác vì COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong vùng dịch

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may (DM) Việt Nam đã đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2020, đặc biệt đã vượt qua cả con số của cùng kỳ 2019.

Đây được đánh giá là một sự phục hồi khá sớm so với dự báo (phải hết năm 2021 mới quay lại ngưỡng 2019, thậm chí đến quý III/2022). Lợi nhuận hợp nhất của Vinatex sau 6 tháng đã hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex cho biết, sự phục hồi này ngoài yếu tố cầu, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước XK DM lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Cambodia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp (DN) không thể hoạt động, trong khi ở Việt Nam đến hết tháng 4/2021, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, DN có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất.

Bên cạnh ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành này đã “sáng” lên, cầu và cả giá bán tăng cao.

“Ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm 2021 của ngành sợi về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020, đưa sợi trở lại thành ngành có đóng góp trên 60% hiệu quả toàn Tập đoàn, dù chỉ chiếm dưới 10% lao động trực tiếp của Vinatex”, ông Trường nói.

Tuy nhiên, Tập đoàn này vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro như các DN trọng yếu là Phong Phú, Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, Hữu Nghị nằm trong vùng có dịch bệnh với nguy cơ cao phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp; đã xuất hiện các ca bệnh trong DN của Vinatex hoặc trong cụm/khu công nghiệp có DN của Vinatex đặt cơ sở như tại Đáp Cầu, Hữu Nghị; các mặt hàng thế mạnh chưa có biểu hiện phục hồi như suite nam, nữ.

Đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân

Ông Trường nhận định, DM Việt Nam đang thực sự ở vào thời kỳ khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19 kể từ tháng 1/2020. Những trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất của đất nước đã bị dịch bệnh càn quét, ngành DM và các DN của Vinatex cũng nằm chung trong hoàn cảnh đó.

Lần đầu tiên trong hệ thống các DN của Vinatex có các ca F0 và diễn biến trên diện rộng. Tính đến ngày 10/7/2021 đã có trên 10.000 lao động không thể đến nhà máy (chiếm 10% lực lượng lao động của toàn Tập đoàn và trên 20% lực lượng lao động phía Nam - khu vực đóng góp trên 60% thu nhập cho Tập đoàn).

“Lần này, tình hình còn phức tạp hơn khi không chỉ còn là vấn đề của tiền lương hỗ trợ công nhân phải ngừng việc như nửa đầu năm 2020. Chúng tôi đang có đủ đơn hàng ở tất cả các đơn vị đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12, cam kết giao hàng và thực hiện trách nhiệm của hợp đồng kinh tế cũng là rủi ro rất lớn với từng DN”, ông Trường phân tích.

Do đó, DM Việt Nam đang tích cực thúc đẩy người lao động (NLĐ) thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định về “5K”, các hướng dẫn của ngành Y tế và chính quyền địa phương; vận động NLĐ ủng hộ, hợp tác với cấp quản lý trong thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt động viên NLĐ xung phong vào làm việc và ăn ở, sinh hoạt tại DN nếu có yêu cầu để giữ được tối đa khả năng sản xuất, không phải đóng cửa.

Hiện các DN đều đã xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và sinh hoạt tại chỗ, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để có thể thực hiện ngay khi tình huống xảy ra, kể cả với DN ở các vùng hiện chưa có diễn biến dịch bệnh ở miền Bắc và miền Trung. Nhất là với hệ thống sợi, dệt cần có phương án đảm bảo trên 80% lao động có thể làm việc và sinh hoạt tại chỗ.

Đặc biệt thúc đẩy tối đa việc đăng ký tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân từ nguồn kinh phí sản xuất kinh doanh của DN, nhất là ưu tiên cho các DN phía Nam, DN may quy mô lớn. Ông Trường cho rằng, tình hình 6 tháng cuối năm còn nhiều bất định nên Vinatex đã luôn chủ động dự báo, liên tục điều chỉnh phương thức đáp ứng thị trường và điều kiện kinh doanh với mục tiêu phục hồi hiệu quả sản xuất kinh doanh 2021 đạt tối thiểu bằng 2019.

Đọc thêm