Ngành giáo dục có xứng nhận lời khen “phát hiện và giải quyết sai phạm”?

(PLO) - Vụ việc nâng điểm hơn 300 bài thi của gần 114 thí sinh Hà Giang đang gây phẫn nộ trong dư luận, nhiều người đặt câu hỏi nghi phạm Vũ Trọng Lượng không thể tự ý phạm tội một mình, người đặt vấn đề có hay không con cái quan chức được nâng điểm, người lại cho rằng đây không phải lần đầu và cũng không riêng chuyện của Hà Giang mà là căn bệnh chung của cả nước.
Vụ việc nâng điểm hơn 300 bài thi của gần 114  thí sinh Hà Giang đánh dấu “kỷ lục” buồn của ngành giáo dục
Vụ việc nâng điểm hơn 300 bài thi của gần 114 thí sinh Hà Giang đánh dấu “kỷ lục” buồn của ngành giáo dục

Kỳ thi “kỷ lục” gian lận

Vấn đề ở chỗ cần xem xét thái độ hành xử của Bộ Giáo dục trước và sau khi dư luận nghi ngờ những hiện tượng bất thường về điểm thi cao ngất ngưởng của nhiều địa phương. Điều kỳ lạ rằng khi bê bối nghiêm trọng ở Hà Giang chưa điều tra, kết luận cuối cùng thì những dấu hiệu bất thường tương tự được phát hiện ở Sơn La, Lạng Sơn. Cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu nền giáo dục đang có quá nhiều khiếm khuyết (?)

Trước đó khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá rất lạc quan: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được tổ chức nghiêm túc khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ, tôi thấy cơ bản thành công”.

Liền sau đó đã xảy ra với một sự kiện không thể nào xấu hổ hơn là vụ bê bối nâng điểm đến trên 300 bài thi của gần 114 thí sinh. Mức độ nâng điểm trâng tráo đổi đen thành trắng, người thi rớt đạt điểm thủ khoa, nhiều bài kém, điểm liệt lại nâng lên 8-9 điểm, nhiều thí sinh được nâng đến hơn 20 điểm.

Vụ bê bối ở Hà Giang bước đầu được kết luận chỉ do một Phó Phòng khảo thí gây ra. Đáng ngờ là ông này đã tự sửa điểm 300 bài thi trong 2 giờ, mỗi bài chỉ cần 6 giây thực hiện, giám sát Hội đồng thi thiếu chuyên môn nên không phát hiện, Thanh tra ủy nhiệm của Bộ thì vắng mặt không báo cáo.

Dư luận cho rằng nhiều thí sinh được sửa điểm là con cháu quan chức lãnh đạo nhưng Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang phủ nhận. Tiếp theo Hà Giang, dư luận lại phát hiện nhiều trường hợp điểm số bất thường của các thí sinh ở trường chuyên Sơn La và 35 thí sinh tự do, có người là công an nghĩa vụ, được bố trí phòng thi riêng.

Dư luận cả nước phẫn uất trước những hiện tượng trên với nhiều nghi vấn đây là thực trạng phổ biến “chạy điểm” để lọt vào các trường Đại học theo nguyện vọng. Nhiều người cho rằng đây không thể là sai phạm của một cá nhân bởi một cá nhân không dám và không thể vo tròn bóp méo điểm thi. Và rõ ràng với sai sót nghiêm trọng như vậy thì kỳ thi khó có thể xem là nghiêm túc, khách quan an toàn như đánh giá của ông Bộ trưởng.

Dư luận nghiêm khắc đòi hỏi phải làm rõ không chỉ ở Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La mà phải kiểm tra làm rõ cả 63 tỉnh, thành. Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc ngày 17/7/2018 truyền đạt ý kiến Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm về kết quả thi bất thường tại Hà Giang. Công văn có đoạn biểu dương khen ngợi ngành Giáo dục trong phát hiện và giải quyết sai phạm ở Hà Giang trong khi thật sự Bộ Giáo dục chỉ mới chấm lại số bài thi. Vấn đề đặt ra là nên khen người tổ chức thi để xảy ra tiêu cực hay là cần nghiêm khắc nhìn lại, cải tổ ngành giáo dục “có vấn đề” về chất lượng.

“Đây là sự việc rất nghiêm trọng”

Vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang có thật sự cho thấy kết quả của một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, khách quan như lời Bộ trưởng Nhạ nói. Chúng tôi xin trích các nhận định trái chiều của những người có trách nhiệm trong các cơ quan dân cử.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, TTN&NĐ, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, “Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt hành vi sửa điểm, can thiệp vào không chỉ một bài thi mà đến hàng trăm bài thi. Điều này làm cho việc đánh giá kết quả chất lượng đào tạo sai lệch”.

Hành động sửa điểm này đáng “Phải xử lý thật nghiêm để răn đe cho các trường hợp khác hay ở các kỳ thi khác”. Bởi hành vi này phản ánh sự không trung thực với cấp trên, không trung thực với chính kết quả đào tạo của ngành giáo dục.

“Việc làm này để lại hệ lụy vô cùng lớn, các em, các cháu có thể nghĩ mình không cần học, không cần tập trung nâng cao kiến thức mà chỉ cần mối quan hệ nào đó là điểm đã cao ngất ngưởng. Tôi được biết trong những năm vừa qua, kết quả sai lệch hoặc chưa hợp lý hoặc chưa thỏa mãn thì phụ huynh học sinh, bản thân học sinh làm đơn phúc tra, có khi chỉ được điều chỉnh 1/4, đến 1/2 điểm là cùng chứ không bao giờ có chuyện sửa đến hàng gần chục điểm như thế này. Nó gây mất niềm tin rất lớn không chỉ đối với phụ huynh học sinh mà ngay chính các em”, ông Lê Như Tiến nói.

ĐBQH Phạm Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Vụ việc tiêu cực về kết quả thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang vừa qua một lần nữa đã đẩy niềm tin vào giáo dục trong xã hội đứng trên bờ vực thẳm”.

Còn ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, TTN&NĐ cũng đồng tình: “Đây rõ ràng là vụ việc rất nghiêm trọng”. Ông Thắng đi sâu phân tích chính phương thức thi “2 trong 1” vừa tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả để xét tuyển đại học,  đặc biệt là mục tiêu thứ 2 mà dẫn đến hiện tượng sửa điểm, thậm chí sửa điểm rất nhiều đối với một số thí sinh và một số bài thi. Với một kỳ thi mang tính chất quốc gia quan trọng như vậy thì tính chính xác, công bằng, khách quan cần phải được đề cao. Như vậy, đây là vụ việc rất nghiêm trọng.

Bệnh ung thư nhưng điều trị ngoài da

Vấn đề tiếp theo là sai phạm trên chỉ là cá biệt của Hà Giang năm nay hay phổ biến từ nhiều năm trước? Ngay trong năm nay, dư luận đã nêu đích danh với bảng điểm bất hợp lý của một số học sinh trường chuyên Sơn La và 35 thí sinh tự do. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, tiến sĩ về thống kê đã phân tích khoa học phổ điểm của các thí sinh này trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi thử, đối chiếu với phổ điểm bình quân của cả nước và khẳng định là các điểm thi này bất bình thường.

Sau khi dư luận lên tiếng, tối ngày 18/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập 2 tổ công tác giúp Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra việc xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Lạng Sơn và Sơn La trong kì thi THPT quốc gia 2018.

Cách xử lý của Bộ được ví von như điều trị bệnh ung thư di căn chỉ ở ngoài da. Bị lộ đến đâu xử đến đó. Bộ vẫn kiên định lập trường phương thức tổ chức thi “2 trong 1” là đúng, thi cử vẫn nghiêm minh mà không nghiêm túc nhìn lại vấn đề một cách toàn diện, thực chất.

Giới trí thức, chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng một giải pháp khoa học, đơn giản là bỏ thi tốt nghiệp. Việc tuyển sinh đại học hãy giao lại cho các trường tự làm theo tiêu chí tuyển sinh của mình, đừng may cái áo chung cho mọi kích cỡ của các nhà trường. Rất tiếc là ý kiến này chưa bao giờ được xem xét nghiêm túc.

Quy chế thi tạo điều kiện cho tiêu cực?

Ông Trần Văn Đệ, nguyên chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có bức thư tâm huyết gửi Bộ trưởng Nhạ phân tích sát sao nguyên nhân cốt tử, điểm yếu chết người của kỳ thi “2 trong 1”.

Ông Đệ viết về sự tắc trách của Bộ như sau: “Đối với Bộ, tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Giao cho địa phương tổ chức mà không tráo đổi lãnh đạo Hội đồng thi, đặc biệt lãnh đạo ban chấm thi. Quy trình chấm trắc nghiệm chặt nhưng lại không chặt rất dễ thỏa thuận thông đồng, việc kiểm tra file ảnh gốc của Cục quản lý chất lượng với kết quả chấm của các địa phương chưa được coi trọng nên các địa phương mới làm liều như ở Hà Giang. Sự việc Hà Giang, Cục quản lý chất lượng không cần về Hà Giang, chỉ cần lấy file ảnh gốc mà Hà Giang gửi Bộ là có thể so sánh được!”

“Theo tôi, nếu còn tổ chức thi theo kiểu này, mỗi năm Cục quản lý chất lượng nên chấm lại ít nhất 25% số địa phương và công bố kết quả công khai!”

Ông Đệ cũng phân tích cơ chế thi này dễ gây tiêu cực cho địa phương: “Lãnh đạo gửi gắm con, cháu cho lãnh đạo Sở GD&ĐT hoặc không thì lãnh đạo tự thấy trách nhiệm của mình mà phải làm. Khi lãnh đạo Sở gửi gắm cho lãnh đạo Hội đồng thi. Lãnh đạo Hội đồng thi chỉ đạo cho cán bộ làm thi. Hà Giang là như vậy và tôi tin rằng không chỉ có năm nay mà cả các năm trước đó? Và Hà Giang cũng không phải là duy nhất”.

Vẫn theo ông Đệ, Thanh tra, Công an và Lãnh đạo Hội đồng thi không làm hết trách nhiệm hoặc không hiểu hết quy trình hoặc có sự thông đồng?

Ông Đệ đã kiến nghị nghiêm túc: “Nhân việc này Bộ trưởng chỉ đạo cho chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm trong toàn quốc từ file ảnh gốc và công bố công khai kết quả để đánh giá trung thực kỳ thi”.

Đọc thêm