Cấm nhập khẩu hay kiểm soát đích đến của nguyên liệu nhập khẩu?
Theo số liệu được công bố, mỗi năm Việt Nam sản xuất 3,5 triệu tấn giấy, trong đó, giấy in 350.000 tấn, giấy bao bì 2,5 triệu tấn, tissue 195.000 tấn còn lại là các loại giấy khác. 3 năm gần đây, năng lực sản xuất giấy Việt Nam tăng mạnh với 29,7%, nhập khẩu tăng 6,6% và xuất khẩu tăng 79,3%. Ngành giấy đã xuất khẩu gần 1 tỷ USD/năm (chưa cộng thêm giá trị bóc tách dưới dạng bao bì hàng hoá xuất khẩu).
Ông Phan Chí Dũng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, tiềm năng phát triển của ngành giấy khá lớn, dự kiến đóng góp 1,5% vào giá trị GDP với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1 tỷ USD trong năm 2018. Để có thể đạt được con số nêu trên, ngành giấy Việt Nam cần phải có nguyên liệu sản xuất. Ông Dũng cho biết thêm, để có 1 tấn giấy cần 3 triệu tấn bột, tương đương với việc chặt gần 5 tấn gỗ cùng nhiều tấn dầu và hóa chất sử dụng đi kèm, do đó phương án NK nguyên liệu giấy phế liệu vẫn là khả thi nhất.
Hiện nay Việt Nam mới chỉ thu gom được gần 40% giấy so với nhu cầu nguyên liệu sản xuất, do đó, mỗi năm cần nhập khẩu (NK) khoảng 2 triệu tấn giấy. Tuy nhiên, việc NK nguyên liệu giấy đang gặp khó khăn do phế liệu giấy mới đây đã được đưa vào danh sách 5 phế liệu không được phép NK.
“NK phế liệu giấy có mặt tốt như đỡ được việc khai thác rừng, không tốn vật tư hóa chất xử lý bột nhưng NK nguyên liệu không cẩn thận lại thành NK rác, không xử lý tốt dẫn tới ô nhiễm môi trường. Đó là mặt trái của NK nguyên liệu phế liệu. Nhưng đây chính là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải có cách thức để kiểm soát” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, cần phải cải tiến thủ tục NK để kiểm soát được đích đến của nguyên liệu nhập (vào nhà máy) bởi nếu chỉ kiểm soát đầu vào NK nguyên liệu sẽ gây ra ách tắc tại cảng và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Ông Patrict Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lee&Man Việt Nam cũng đưa ra đề xuất, nếu công ty nào NK giấy thì bắt buộc phải dùng vào mục đích sản xuất, không được mua đi bán lại, nếu thực hiện sai thì phải xử lý nặng.
Ông Hoàng Trung Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, ngành giấy Việt Nam đã ở giai đoạn tăng trưởng nhanh từ cách đây khoảng vài năm và dự kiến còn kéo dài khoảng 10-15 năm nữa. Nhu cầu giấy trong 10 năm tới dự báo tăng trên 10%, đặc biệt nhu cầu giấy bao bì sẽ tăng trên 15%/năm, đạt trên 10 triệu tấn vào năm 2025.
Theo ông Sơn, với tiềm năng nêu trên, nhu cầu phế liệu giấy thực sự cần thiết, nhất là cung cấp phế liệu giấy cho sản xuất bao bì vì sản xuất bao bì sử dụng 100% nguyên liệu tái chế. Nhưng do hiện nay, nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sản xuất nên việc NK phế liệu giấy là thực sự cần thiết.
Việc sản xuất bao bì sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu không được tiếp tục nhập khẩu phế liệu giấy |
Sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu?
Chuyên gia phân tích chính sách, Tiến sĩ Phạm Đình Thưởng cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia, đặc biệt các nước châu Âu như Thuỵ Điển, Na uy, Đức, Bỉ và Hà Lan đều là những nước nhập khẩu phế liệu số lượng lớn. Trung Quốc hiện nay dù đưa ra biện pháp hạn chế nhập khẩu phế liệu nhưng dự kiến trong năm 2018, Trung Quốc vẫn nhập khoảng 20 triệu tấn phế liệu.
Thái Lan và Indonesia cũng cho phép nhập khẩu các loại phế liệu giấy và không có quy định kiểm định lô hàng nhập khẩu phế liệu giấy tại cảng vì họ coi đây là sản phẩm, không phải phế liệu. Thay vào đó, 2 nước này tiến hành kiểm định ngay tại nhà máy sản xuất cho các hoạt động đảm bảo an toàn môi trường, xử lý nước thải, khí thải… Hàn Quốc cũng cho phép nhập khẩu các loại phế liệu tái tạo, bao gồm phế liệu giấy và không cần khai báo, xin phép.
“Nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu tái chế chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành giấy. Mặt khác, việc siết chặt quản lý đột ngột khiến doanh nghiệp lâm vào thế bị động, nhà máy vận hành hàng ngày nhưng không có nguyên liệu khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến ngành công nghiệp bao bì, thậm chí tác động không nhỏ tới kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ” - ông Thưởng nói.
Ông Patrict Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lee&Man Việt Nam cũng đồng tình khi cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đang thiệt đơn thiệt kép do nguyên liệu về đến cảng nhưng không được thông quan, tốn chi phí lưu kho. Không có nguyên liệu sản xuất, các khách hàng của Lee&Man sẽ tìm nguồn cung khác, dần dần sẽ mất thị phần.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Việt Trì cũng khẳng định, việc ảnh hưởng đến môi trường là do hiện tượng nhiều doanh nghiệp sản xuất manh mún. Thậm chí có tồn tại tình trạng một vài doanh nghiệp làm ẩu khi lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước để nhập khẩu rác và đây là nguyên nhân dẫn đến chuyện dừng việc NK phế liệu giấy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lộ trình ngành giấy.
“Thị trường giấy bao bì còn dư địa phát triển rất lớn, nhất là mới đây Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có những cuộc vận động “không sử dụng túi nilon”. Nếu cả hệ thống sản xuất, tiêu dùng chuyển sang sử dụng túi giấy thì sẽ tác động tốt đến môi trường như thế nào. Do đó, không thể chỉ vì một vài trường hợp xấu mà làm ảnh hưởng đến cả ngành giấy” - ông Hiện khẳng định.