Ngành Hải quan: Bảo đảm giảm 20% số lô hàng lấy mẫu phân tích, phân loại

(PLVN) -Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp và tổ chức thực hiện bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu “giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, phân loại” nhằm tạo thuận lợi tối đa cho xuất nhập khẩu hàng hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Hoạt động nghiệp vụ của cán bộ hải quan. (Ảnh: N.Linh)
Hoạt động nghiệp vụ của cán bộ hải quan. (Ảnh: N.Linh)

Khó khăn trong phân loại hàng hóa

Sau 5 năm rà soát, đàm phán, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 8/3/2022 về việc phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (gọi tắt là Danh mục AHTN 2022). Trên cơ sở Danh mục AHTN 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam 2022. Căn cứ Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định Biểu thuế MFN, FTA, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các quyết định về thuế NK bổ sung, các Danh mục quản lý chuyên ngành, Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được…

Theo Cục Thuế XNK, sau mỗi lần ban hành Danh mục mới, Tổng cục Hải quan đều có các văn bản hướng dẫn, nêu rõ các trường hợp có thay đổi về phân loại, các trường hợp theo phiên bản cũ…, đồng thời triển khai nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ Hải quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) về nghiệp vụ phân loại và cập nhật các thay đổi mới của Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản hướng dẫn phân loại các mặt hàng khó, các mặt hàng có nhiều quan điểm phân loại khác nhau, cần ý kiến các đơn vị có liên quan kể các ý kiến của ASEAN, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), tạo sự thống nhất trong toàn ngành, bảo đảm thu đúng, thu đủ.

Tuy nhiên, theo Cục Thuế XNK, việc phân loại hàng hóa là nghiệp vụ kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của cán bộ Hải quan trong việc xác định mã số hàng hóa. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều mặt hàng đã được phát minh, sản xuất với nhiều công dụng, nhiều thành phần... chưa được liệt kê, quy định rõ trong chú giải, nội dung nhóm, phân nhóm của Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam. Đặc biệt, tình trạng một mặt hàng được khai báo nhiều mã số khác nhau hay tình trạng khai báo không đủ thông tin, khai báo mã số không đúng với bản chất hàng hóa, khai sai điều kiện áp dụng mức thuế, khai thủ công mức thuế không chính xác, khai sai thuế đối với hàng hóa XNK...

Tạo thuận lợi tối đa cho công tác xuất nhập khẩu

Trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, TP chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp và tổ chức thực hiện bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu “giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, phân loại (PTPL)”. Đây là một trong những giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các DN hoạt động XNK hàng hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, đồng thời thực hiện Quyết định 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023.

Để thực hiện mục tiêu trên, giải pháp được đưa ra là các mặt hàng đã có kết quả PTPL, DN cung cấp đủ thông tin để xác định bản chất hàng hóa là không thay đổi so với kết quả phân tích tại các thông báo kết quả PTPL đã có, chỉ có mã số hàng hóa thay đổi theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 thì phân loại hàng hóa theo quy định, không gửi lại mẫu để PTPL. Xem xét cắt giảm, không gửi PTPL các chủng loại hàng hóa có mức độ rủi ro thấp (sau PTPL có mức thuế giảm hoặc không có tác động đến chính sách thuế). Trường hợp phát sinh chủng loại hàng mới, chưa có kết quả PTPL, Tổng cục Hải quan yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro và xem xét gửi đơn vị kiểm định hải quan để thực hiện PTPL.

Với vai trò tham mưu, Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cũng đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng công tác này, bảo đảm thống nhất một mặt hàng chỉ có một mã số. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đối với việc giảm lấy mẫu, tạo điều kiện cho DN giải phóng hàng trong trường hợp mặt hàng giống hệt đã được lấy mẫu đang chờ kết quả PTPL; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nhóm hàng hóa nhạy cảm dễ nhầm lẫn do khó phân biệt bằng mắt thường, hàng hóa có các mức thuế suất chênh lệch, hàng hóa chịu thuế NK bổ sung, hàng hóa cần điều kiện NK, hàng hóa phế liệu…

Các cục hải quan tỉnh, TP cần quan tâm hơn nữa đến công tác phân loại hàng hóa để chỉ đạo các đơn vị, bộ phận thực hiện nghiêm túc quy định. Thường xuyên rà soát để phát hiện sai sót về phân loại, nhất là các mặt hàng đã có văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất; hướng dẫn DN khai báo đầy đủ mô tả hàng hóa, chất liệu, nguyên lý hoạt động, thành phần, công dụng, nguyên lý hoạt động… Chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo chỉ dẫn rủi ro đối với tờ khai luồng Xanh để thực hiện kiểm tra sau thông quan trong vòng 60 ngày...

Tổng cục Hải quan cũng giao chỉ tiêu cụ thể trong năm 2023 đối với 5 cục hải quan tỉnh, TP có số lượng mẫu lớn gửi PTPL trong năm 2022, gồm Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Đồng Nai, Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Bình Dương. Đối với các cục hải quan tỉnh, TP còn lại, Tổng cục Hải quan yêu cầu năm 2023 không gửi quá số lượng mẫu gửi PTPL so với năm 2022.

Đọc thêm