Ngành Hải quan hòa cùng “dòng chảy” cải cách, hiện đại hóa - Bài 1: Những thành tựu nổi bật trong cải cách, hiện đại hóa Hải quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Mặc dù đối diện với không ít thách thức, khó khăn, nhưng đến nay, ngành Hải quan có thể tự hào khẳng định công cuộc cải cách, phát triển và hiện đại hóa đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo ra bước phát triển đột phá, giúp cơ quan Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
Tổng cục Hải quan triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động. (Ảnh: PV)
Tổng cục Hải quan triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động. (Ảnh: PV)

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp 254%

Công cuộc cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ năm 1987. Trải nhiều giai đoạn phát triển, toàn ngành Hải quan đã nỗ lực, tập trung và tranh thủ các nguồn lực, trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về hải quan phù hợp với từng giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Có thể nói, thành tựu nổi bật là Hải quan Việt Nam đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và đổi mới phương thức quản lý, làm giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời giúp cho ngành Hải quan theo kịp sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh lực lượng ngành không tăng thêm mà còn phải thực hiện tinh giản theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đó, từ 2011 - 2019, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu (XNK) tăng gấp 287,7% (từ 4,63 triệu tờ khai lên 13,32 triệu tờ khai); tổng kim ngạch XNK tăng gấp 254% (203,7 tỷ USD lên 517,7 tỷ USD); số thu ngân sách của Hải quan tăng gấp 160% (từ hơn 217.014 tỷ đồng lên trên 347.280 tỷ đồng).

Ngoài ra, hệ thống thể chế quản lý nhà nước về Hải quan đã tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế, hoàn thành các mục tiêu cải cách phát triển hiện đại hóa hải quan…. Thủ tục hải quan ngày càng đơn giản, hài hòa, theo chuẩn mực của Hải quan thế giới, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong quản lý nhà nước về Hải quan.

Bước nhảy vọt về ứng dụng công nghệ thông tin

Riêng về ứng dụng CNTT, ngành Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt, xây dựng được hệ thống CNTT hiện đại, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNASSC/VCIS và các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử), e-C/O, e-Permits (thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN)… Các hệ thống CNTT đã cơ bản bao phủ toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Hải quan xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.

Từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với các hệ thống CNTT của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Từ ngày 27/1/2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ triển khai mở rộng giải pháp ứng dụng dữ liệu định vị GPS để cảnh báo ùn tắc phương tiện vận tải và giám sát hàng hóa XNK tại cửa khẩu, ICD, cảng biển, cảng hàng không quốc tế trong thời gian tới.

Nhìn chung, tiến trình cải cách hiện đại hóa hải quan đã thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ phối hợp, gắn kết giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các lực lượng chống buôn lậu gian lận thương mại, bảo đảm mục tiêu vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, tạo tiền đề để thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK trong giai đoạn tới…

Tổng cục Hải quan cũng đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.

Đọc thêm