Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 10 tháng năm 2018 ước đạt 394,11 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% và nhập khẩu ước đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8%.
Riêng trong tháng 10 năm 2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 41,5 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước; trong đó trị giá xuất khẩu ước đạt 20,8 tỷ USD, giảm 1,5% và trị giá nhập khẩu ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 6,1%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2018 ước tính thặng dư 100 triệu USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt Nam trong 10 tháng năm 2018 lên 6,42 tỷ USD.
Về xuất khẩu, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện dù tháng 10 có giảm so với tháng trước (ước tính xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2018 là 4 tỷ USD, giảm 21,4% so với tháng trước), tuy nhiên ước tính 10 tháng, xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 40,69 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng dệt may, ước tính trong tháng 10/2018, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 2,7 tỷ USD, không thay đổi so với tháng trước và nâng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may; trong 10 tháng 2018 kim ngạch xuất khẩu lên 25,15 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê giá trị xuất khẩu cũng tăng đáng kể.
Đối với hàng nhập khẩu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính nhập khẩu trong tháng 10/2018 là 3,8 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước. Ước tính hết tháng 10/2018, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước là 34,61 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Với nhóm hàng vải các loại, ước tính nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 10/2018 là 1,05 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 10/2018, nhập khẩu vải các loại đạt 10,46 tỷ USD, tăng 12,9% so với 10 tháng năm 2017.
Sắt thép các loại, ước tính trong tháng 10/2018 nhập khẩu 1,1 triệu tấn, tăng 0,3% và trị giá là 817 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 10 tháng năm 2018 ước đạt 11,38 triệu tấn, giảm 10,5% và trị giá là 8,33 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Xăng dầu các loại, nhập khẩu trong tháng 10/2018 ước tính là 700 nghìn tấn, không thay đổi so với tháng trước và trị giá là 510 triệu USD, tăng 1,6%.
Trong 10 tháng năm 2018, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước đạt 10,03 triệu tấn, trị giá ước đạt 6,77 tỷ USD, giảm 5,1% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Kim loại thường khác, ước tính trong tháng 10/2018 là 150 nghìn tấn, tăng 19,5% và trị giá là 538 triệu USD, tăng 16% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu trong 10 tháng ước đạt 1,89 triệu tấn, tăng 31,7% và trị giá ước đạt 6,21 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2018, Tổng cục Hải quan được giao dự toán thu NSNN 283.000 tỉ đồng, phấn đấu thu NSNN đạt 293.000 tỉ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2018.
Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa… theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19/2017/NQ-CP, Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị quán triệt toàn thể cán bộ công chức nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính; tiếp nhận, giải quyết, xử lý hiệu quả, kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của DN, hiệp hội DN về lĩnh vực hải quan. Tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường phối hợp thu với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia hoạt động XNK. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra về trị giá, mã số, C/O… đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch NK lớn, tần suất NK nhiều. Đối mới công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng giảm số cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, tập trung thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.