Theo lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan, việc các hệ thống CNTT được tích hợp, trao đổi thông tin sẽ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ, công chức và lãnh đạo các cấp trong quá trình xử lý nghiệp vụ và quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống CNTT của cơ quan Hải quan với các đơn vị có liên quan.
Ngoài các hệ thống CNTT phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Hải quan, từ nay đến năm 2020, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện quản lý, vận hành Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Để thực hiện các mục tiêu kể trên trong công tác CNTT, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện một số nội dung chính gồm: Nâng cao khả năng kiểm soát của cơ quan Hải quan nhưng vẫn duy trì được thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc xây dựng các cơ chế kiểm soát bằng phương thức điện tử; thống nhất các quy trình nghiệp vụ hiện nay trong bài toán tổng thể; triển khai ứng dụng CNTT với các lĩnh vực hiện chưa thực hiện; nâng cao mức độ tự động hóa của quy trình nghiệp vụ.
Đặc biệt là tích hợp các hệ thống CNTT hiện tại vào một hệ thống thống nhất được xây dựng theo kiến trúc hướng dịch vụ; xử lý theo mô hình tập trung cấp Tổng cục; có chức năng quản lý, giám sát việc truy cập hệ thống đối với tất cả đối tượng tham gia; cung cấp mọi loại giao diện (cho máy vi tính, cho thiết bị di động…).
Như vậy, kiến trúc ứng dụng CNTT của ngành Hải quan thời gian tới gồm các nội dung: Nhóm chức năng quản lý nghiệp vụ hải quan (gồm 19 phân hệ); nhóm chức năng thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN (gồm 5 phân hệ); nhóm chức năng quản lý nội ngành (gồm 4 phân hệ); nhóm chức năng giám sát hệ thống (gồm 2 phân hệ).
Trước đó, ngay từ đầu năm 2017, ngành Hải quan cũng đã xác định trong năm nay sẽ triển khai 45 nhóm hoạt động cải cách, hiện đại hóa. Một số hoạt động trọng tâm như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, pháp luật về thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK; nội luật hóa và triển khai thực hiện các Hiệp định theo lô trình Việt Nam đã ký kết; rà soát, kiến nghị điều chỉnh thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan đến thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, tổ chức, DN khi tiếp cận, giải quyết các dịch vụ công; chuẩn hóa quy trình thủ tục hải quan, xác định các yêu cầu nghiệp vụ để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại; xây dựng bổ sung hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu áp dụng phương thức điện tử trong thực hiện một số thủ tục, hoạt động quản lý hải quan mà Hệ thống VNACCS/VCIS chưa triển khai được; hoàn thành việc nâng cấp một số hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh đáp ứng yêu cầu quy định mới; thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng biển.
Bên cạnh đó, năm 2017 ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; các hoạt động nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa XK, NK và hoạt động kiểm tra chuyên ngành.