Ngành nông nghiệp giữ mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD

(PLVN) - Nhận định trong thời gian tới những khó khăn, thách thức sẽ rất lớn, song Bộ NN&PTNN vẫn giữ mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 41 tỷ USD trong năm 2020.
7 tháng đầu năm, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam cao thứ 2 trên thế giới
7 tháng đầu năm, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam cao thứ 2 trên thế giới

Sản xuất, xuất khẩu đều tăng

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến giữa tháng 7, cả nước gieo cấy được 6,4 triệu ha. Diện tích đã thu hoạch đạt 3,6 triệu ha, sản lượng khoảng 23,15 triệu tấn thóc.

Xuất khẩu (XK) gạo 7 tháng đạt gần 4 triệu tấn và giá trị 2 tỷ USD, về khối lượng giảm khoảng 1,5% so cùng kỳ nhưng giá trị thu về tăng khoảng 11%; là nước có sản lượng và giá trị XK gạo cao thứ 2 trên thế giới trong bối cảnh chống đại dịch Covid toàn cầu.

Về sản xuất thực phẩm, Bộ NN&PTNT cho biết, tất cả các nhóm thực phẩm đều tăng: Thịt gia cầm tăng 12%, thịt bò tăng 6,5%, thủy sản tăng 1,6%,…“Như vậy kế hoạch cả năm gần 5,8 triệu tấn thịt (lợn, bò, gà,…) sẽ đạt kế hoạch cùng với chỉ tiêu 8,4 triệu tấn thủy sản, 14 tỷ quả trứng và 1,1 triệu tấn sữa về cơ bản sẽ được đảm bảo....”- ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết.

Riêng sản phẩm sữa, ông Việt cho biết, Trung Quốc đã chính thức cấp phép cho 2 doanh nghiệp XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (sẽ phối hợp để sớm cấp phép thêm cho 4 doanh nghiệp nữa) và năm 2020 sản phẩm sữa Việt Nam sẽ XK đi trên 50 quốc gia, trong đó có các thị trường cao cấp như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc,…

Như vậy, tính chung 7 tháng năm 2020, XK nông sản đạt 22,3 tỷ USD (giảm 2,8% so với cùng kỳ) nhưng thặng dư rất lớn tới 5,2 tỷ USD (tăng hơn 3,8% so cùng kỳ). “Nếu cố gắng cao và không có biến động lớn của tình hình thế giới, khả năng cao đạt được kế hoạch trên 40 tỷ USD (40- 41 tỷ USD)...”- Đại diện Bộ NN&PTNT dự tính.

Đó cũng là lý do trong công văn gửi Bộ KH&ĐT về  kịch bản tăng trưởng, các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới Bộ NN&PTNT dự kiến tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 - 3%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,85%; thủy sản tăng 3,0%; lâm nghiệp tăng 2,57%. Phấn đấu tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD.

Phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản

Cùng với những thuận lợi riêng có của ngành nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch, Bộ NN&PTNN nhận định, những khó khăn, thách thức trong thời gian tới sẽ rất lớn và gay gắt.

Đó là tác động của đại dịch Covid-19 khi tái phát trở lại trong cộng đồng ảnh hưởng đến sản xuất trong nước; Cùng với đó, diễn biến thời tiết khó lường, đặc biệt sắp tới bước vào tâm điểm mùa mưa bão sẽ tiếp tục đe dọa sản xuất, kinh tế, đời sống; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dẫn đến thiếu nguồn cung phải tăng nhập khẩu thịt các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước; Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản trước tác động mới của đại dịch Covid-19 sẽ khó khăn hơn nhiều cả khu vực XK, thậm chí đề phòng phương án xảy ra cả thị trường nội địa.

Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất theo diễn biến thời tiết, dịch bệnh, Bộ NN&PTNT xác định phải phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. 

Trong đó, tập trung công tác thị trường, tận dụng từng nhóm thị trường XK kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm. Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường XK những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh Covid-19, phối hợp khai thác tốt thị trường nội địa.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý; chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, XK các sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức bán hàng online; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các địa phương theo chuỗi liên kết; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, có kế hoạch phát triển mạnh thị trường XK, trong đó, tích cực mở cửa thị trường, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng; hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường. Đồng thời tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước. Cụ thể, tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất; dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính (vải, nhãn, cam, thanh long...); phối hợp tổ chức kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, tại các khu công nghiệp và đơn vị vũ trang.

“Với những giải pháp toàn diện đó cùng với quyết tâm vượt khó, hy vọng ngành nông nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đề ra”- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT nói.

Đọc thêm