Ngành nông nghiệp lo tăng trưởng âm

(PLO) - Quý I năm 2016, XK nông, lâm thủy sản chính đã có những bước phục hồi so với năm 2015 nhưng giá trị XK các mặt hàng nông sản chính tiếp tục giảm. Thậm chí, quý I năm nay ghi nhận tình trạng tăng trưởng nông nghiệp vẫn tiếp tục đạt ở mức âm.
XK nông sản năm nay được dự báo không mấy khả quan
XK nông sản năm nay được dự báo không mấy khả quan

Đây là thông tin được Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn( IPSARD) đưa ra tại Hội nghị “Triển vọng thị trường nông ngành nông nghiệp Việt Nam 2016” được tổ chức sáng nay  tại Hà Nội.

Ảnh hưởng lớn từ hạn hán

Ghi nhận của IPSARD, từ năm 2015 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Gía cả nội địa nhiều mặt hàng nông sản chủ lực rơi vào xu hướng giảm kéo theo động lực sản xuất cũng vì thế mà đi xuống.

Tình trạng này khiến cho XK gặp rất nhiều khó khăn như: XK gạo tuy tăng 5,8% về lượng nhưng giá trị lại giảm 2,8 %; cao su cũng tăng 7,6% về lượng nhưng cũng giảm tới 13,2% về giá trị, thủy sản âm 15% giá trị. Thậm chí, cà phê đạt mức  -22,9 % về lượng và - 26,8% về giá trị.   

TS. Nguyễn Trung Kiên, Bộ môn nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng cho hay năm 2016 XK một số nông sản như gạo, cà phê, thủy sản đã trên đà phục hồi nhưng giá vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm. Ví dụ như gạo, tuy 2 tháng gần đây giá có tăng cao nhất trong 2 năm qua nhưng tín hiệu cho thấy giá tăng không bền vững.

“XK gạo, cà phê, cao su, thủy sản giảm đồng loạt trên các thị trường lớn và truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Philipines…Tăng trưởng XK các sản phẩm khác như:  gỗ, sản phẩm gỗ, rau quả vẫn không bù đắp được suy giảm trên”- TS Kiên nói.  

Ngoài yếu tố giá, nguyên nhân được chỉ ra là chủ yếu do ảnh hưởng từ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng từ đầu năm đến nay. Theo ông Kiên thời tiết khắc nghiệt đã làm giảm sản lượng, năng suất các cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp như: lúa, cà phê, tôm, cao su, trái cây.  

Đại diện IPSARD cho hay, đến cuối tháng 5/2016, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm sản lượng lúa đông xuân tại ĐBSCL giảm 1,13 triệu tấn. Nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường từ 20-25 km khiến sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%, một số diện tích cây cà phê chết khô, năng suất kém, trái cây có múi, dừa và hạt tiêu năng suất đều giảm mạnh.

Triển vọng nào?               

Giá tôm được dự báo “đi ngang”, sản xuất hạt điều giữ mức ổn định, Xk rau quả dự báo tích cực, nhưng theo nhận định của IPSARD, giá gạo sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung giảm, tồn kho tại Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ vẫn ở mức cao và sản xuất được nhận định là sẽ phục hồi do La Nina (là hiện tượng trái ngược lại với hiện tượng El Nino - PV) làm tăng lượng mưa tại các nước XK gạo lớn.

Trong khi đó, XK cà phê của Việt Nam trong những tháng còn lại được dự báo giảm tới 25%, xuống còn 1 triệu tấn do năng suất thấp ở những vườn cà phê già cỗi và nhu cầu caf phê của các nhà rang xay nội địa tăng.

TS. Kiên nhận định, từ nay đến cuối năm do tác động hiện tượng La Nina lượng mưa có thể cao hơn mức trung bình nên ngành nông nghiệp được dự báo sẽ phục hồi và có mức tăng trưởng dương.

Từ những dự báo nói trên, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn khuyến nghị doanh nghiệp XK trong nước tiếp tục phát triển kinh doanh với các đối tác truyền thống có nhu cầu tăng trở lại nhưng đồng thời mở rộng kinh doanh tại các thị trường tiềm năng như: lúa gạo (thị trường châu Phi và EU), Cà phê (Anh, Ba Lan , Séc, Hà Lan…), cao su ( Ấn Độ, Malaysia, Mỹ), rau quả (Nhật bản, Hoa Kỳ, Úc, EU…) và đối với thủy sản cần mở rộng thị trường tiềm năng như Trung Quốc và một số nước Mỹ La tinh.   

Vị này cũng cho rằng cần thắt chặt quản lý về tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại đối với các sản phẩm chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, quản lý chặt vệ sinh ATTP, chất lượng đầu ra của các mặt hàng rau quả, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, hồ tiêu.

“Đẩy mạnh đàm phán, đấu tranh về các vấn đề rào cản kỹ thuật để đảm bảo tiêu chuẩn ở mức độ hợp lý, tạo điều kiện phát triển thương mại công bằng. Đăc biệt chú trọng tuyên truyền thông tin về các rào cản kỹ thuật và điều khoản có lợi cho Việt Nam trong các Hiệp định đã ký kết”- chuyên gia Kiên khuyến nghị.

Phi Hùng

Tăng trưởng nông nghiệp không thể bằng năm 2014

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD: “Nhìn vào thực tế năm nay, từ đầu năm cho tới nay do ảnh hưởng của thiên tai một loạt mặt hàng giảm sản lượng như lúa gạo, cà phê, thủy sản. Tôi nghĩ cố gắng từ giờ cho tới cuối năm chúng ta chỉ bù đắp được một phần nào đó thiệt hại từ đầu năm. Và tôi nghĩ tăng trưởng khó mà đạt được mức thành công như năm 2014. Vì gần như mất hẳn một quý nên tăng trưởng chắc chỉ được mức như năm 2015”. 

Nông nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt lợi thế

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp: “Một năm Việt Nam XK nông sản được khoảng 30 tỷ USD. Nếu so với doanh số hàng thực phẩm trên thế giới một năm là 15.000 tỷ USD thì mới thấy rằng chúng ta chưa tận dụng tốt lợi thế như người ta. Trong khi Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu về XK nông sản. Đưa ra 2 con số đó để thấy rằng tiềm năng của Việt Nam là còn rất lớn”.

Đọc thêm