Ông đánh giá thế nào về kết quả cải cách TTHC của ngành Thuế?
- Trước hết có thể nói ngành Thuế là ngành đi tiên phong trong cải cách TTHC trong thời gian qua. Thời điểm năm 2000, xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với chúng ta thì Thuế và Hải quan là những ngành “đội sổ” trong khu vực ASEAN. Lúc đó thời gian thực hiện các thủ tục thuế bao gồm cả bảo hiểm xã hội lên tới 872 giờ, cao nhất trong ASEAN. Nghĩa là TTHC về thuế của Việt Nam là phiền hà nhất trong khu vực ASEAN.
Sau khi Chính phủ có Nghị quyết 19, trong đó chỉ ra hướng đột phá và mục tiêu cụ thể chúng ta phải lọt vào Top 4 trong khu vực về thuận lợi trong thực hiện các thủ tục thuế thì ngành Thuế đã có những nỗ lực rất tích cực.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã rà soát lại tất cả các thủ tục liên quan đến thuế. Cách làm tôi nghĩ rất thiết thực của Bộ Tài chính là đã “chụm đầu” với DN đưa từng quy định thuế ra trao đổi với DN để tìm ra những giải pháp thuận lợi hóa. Trên cơ sở thảo luận với DN, ngành Thuế đã đưa ra những quy định, biện pháp và thể chế để cải cách TTHC thuế. Đồng thời với việc tiến hành cải cách TTHC thuế theo chuẩn mực quốc tế thì ngành Thuế đã phối hợp với VCCI tổ chức khảo sát đánh giá sự hài lòng của DN với các TTHC...
Tôi biết, cho đến thời điểm hiện nay, ngành Tài chính đã hoàn thành những nhiệm vụ cải cách của mình, cắt giảm số giờ thực hiện TTHC, đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra là giảm thời gian thực hiện các TTHC về thuế và bảo hiểm xã hội còn 171 giờ…
Vậy ông có nhận xét gì về kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN về TTHC thuế mà VCCI vừa công bố?
- Trong quá trình hướng tới sự hài lòng của người dân và DN, ngành Thuế là ngành tiên phong liên kết với VCCI để khảo sát nắm bắt ý kiến của DN và chất lượng của các TTHC.
Hiện nay, 75% DN hài lòng với các TTHC nhưng còn một số chỉ tiêu thì DN còn phàn nàn đối với một số nội dung, như vẫn có tới 40 – 50% DN chưa hài lòng và cho rằng cần cải thiện khoảng 30%.
Qua cuộc khảo sát cho thấy sự hài lòng của người dân và DN đối với các thủ tục thuế ngày càng tăng lên, từ 71% năm 2014 đến 75% năm 2016. Tuy nhiên, vẫn có dư địa cho cải cách khi 30% chưa hài lòng, điều đó cho thấy nếu cố gắng đáp ứng sự hài lòng của DN thì vẫn đáp ứng cải cách của ngành Thuế...
Theo ông, thời gian tới ngành Thuế cần tiếp tục cải cách như thế nào?
- Trước hết phải nói những cải cách của ngành Thuế không phải chỉ của riêng ngành Thuế, của Bộ Tài chính còn là nhiệm vụ chung của Quốc hội, Chính phủ. Một số kiến nghị để giải quyết vướng mắc kiến nghị của DN chỉ giải quyết được nếu sửa đổi văn bản pháp luật chung. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bằng Luật sửa đổi nhiều luật sẽ đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài chính tiếp tục đơn giản hóa TTHC thuế. Chính phủ trong thẩm quyền của mình, cần điều chỉnh các quy định trong Nghị định còn đang gây trở ngại cho DN. Những nỗ lực về mặt thể chế trong rà xét, hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong việc thiết lập khuôn khổ cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế là việc cần làm.
Thứ hai, cần phải triển khai tích cực hơn nữa việc thu thuế điện tử, thực hiện khai báo nộp thuế của người dân và DN thông qua bản điện tử mà không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các công chức ngành Thuế và người dân. Muốn làm như vậy phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và phát triển đại lý thuế để hỗ trợ cho DN.
Điều cần thiết hiện nay là chính sách của ngành Thuế đối với khu vực DN đã có những cải thiện đáng kể nhưng đối với kinh tế hộ gia đình, hộ kinh doanh và nhìn rộng ra đối với khu vực nhỏ và siêu nhỏ thì cần có những nỗ lực đột phá hơn nữa. Tôi cho rằng, hỗ trợ của ngành Thuế, đơn giản hoá TTHC thuế đối với DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phải có 1 triệu DN, một trong những điều quan trọng là phải thúc đẩy, chuyển đổi các hộ kinh tế gia đình sang thành DN. Muốn như vậy thì các thủ tục về thuế, chính sách về thuế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy tôi hy vọng rằng ngành Thuế sẽ tiếp tục “chụm đầu” cùng các DN để có thể đưa ra đột phá hơn nữa cho DN nhỏ và siêu nhỏ, từ đó khuyến khích các phong trào chuyển đổi kinh tế hộ gia đình thành DN. Bằng cách đó thì thúc đẩy kinh tế phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách TTHC cũng như chúng ta đạt được mục tiêu 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020…
Cùng với cải cách về thể chế, pháp luật, tôi cũng hy vọng việc nâng cao trình độ đạo đức công vụ để có thể thực hiện được công việc của mình nhằm giảm chi phí chính thức vẫn đang là yêu cầu đặt ra đối với ngành Thuế giai đoạn sắp tới.
Có một điểm lưu ý trong báo cáo cho thấy chi phí không chính thức từ lần khảo sát trước đến lần này đã tăng. Ngành Thuế đã cải cách rất tích cực như ông nói, nhưng chi phí tăng như vậy, ông có thể chia sẻ nguyên nhân vì sao?
- Tôi nghĩ chi phí không chính thức là vấn đề đau đầu của chúng ta hiện nay. Cải cách về môi trường kinh doanh, vấn đề hành chính chi phí không chính thức vẫn không có xu hướng suy giảm, do đó cần suy nghĩ và tìm những giải pháp trong thời gian tới. Điều quan trọng là làm thế nào để minh bạch hoá môi trường kinh doanh, tăng mức độ giải trình cơ quan thuế cũng như các cơ quan nhà nước nói chung và đặc biệt là thúc đẩy sử dụng mạnh mẽ Chính phủ một cửa, thực hiện quan hệ giao dịch trực tiếp với người nước ngoài thông qua công nghệ thông tin, điện tử, giúp được cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức của DN.
Xin cám ơn ông!